Tôi đến dự không phải do Trung Nguyên mời mà được một người bạn nước ngoài “rủ” đi. Tôi quyết định đến, một phần, vì tò mò, phần luốn giao lưu, phần khác vì câu nói của giáo sư Michael Porter đang vẫn vang trong đầu mình “Việt Nam cần một mô hình phát triển kinh tế mới”. Và hơn thế nữa, tôi là người đặc biệt quan tâm đến 2 chữ TẦM NHÌN!
Người mời tôi đến dự cho biết, Việt Nam là một trong hai quốc gia đoàn chọn trong chuyến công tác lần này (cùng với Malaysia) nhằm gặp gỡ các tấm gương tiêu biểu là các lãnh đạo doanh nghiệp để trao đổi, nhận diện cơ hội và thách thức hiện có. Vì có một phần cảm thấy vinh dự cho Việt Nam và cũng nghĩ đến việc học hỏi và hợp tác với các thành viên MIT SLOAN trong tương lai nên tôi đến sớm để giao lưu. Bởi bao năm nay câu nói “Thời đại mới đòi hỏi phải có những là lãnh đạo xuất chúng” luôn làm tôi trăn trở nên việc tìm kiếm những nhà lãnh đạo xuất chúng, hay ít nhất là có sức mạnh đặc biệt nổi trội luôn là khát khao cháy bỏng trong tôi.
Chỉ có đến đây, được nghe, được nhìn, được thưởng thức và được cảm nhận tôi mới hiểu ra một điều tưởng chừng rất đơn giản rằng café tạo ra năng lượng trong thời đại kinh tế tri thức này, rằng triết lý café làm cho thế giới tốt đẹp hơn của Trung Nguyên là có lý. Các nhà lãnh đạo thế giới cũng được hiểu thêm tại sao café lại có thể mang đến sự hòa hợp và sự phát triển ổn định, rằng tại sao café được người ta gọi là vàng đen, rằng Việt Nam không thể không là điểm sáng số 1 của hành tinh xanh chúng ta về cà phê.
Đoàn MIT chụp hình lưu niệm
Đến đây và thông qua bài trình bày, các nhà lãnh đạo thế giới cũng hiểu thêm trăn trở của Chủ tịch Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ - tại sao Việt Nam là nước xuất khẩu café thứ 2 trên thế giới nhưng chỉ thu về có 2 trong số 100 tỷ đô la từ doanh thu của ngành này. Rằng café được trồng ra bởi người nông dân nhưng giá cả nhiều khi lại được quyết định bởi những người đầu cơ - những ai không làm ra vàng đen. Và rằng 7 sáng kiến của Trung Nguyên cho ngành café toàn cầu là rất đúng lúc, rất cần thiết.
Làm sao để trong vòng 15 năm nữa doanh thu từ café của Việt Năm tăng lên 20 tỷ đô la từ 2 tỷ hiện nay liệu có thành sự thực. Liệu những thương hiệu cafe Việt như Trung Nguyên có thể đủ sức để cạnh tranh với những cây đại thụ trong ngành café thế giới như Starbuck hay Nestle. Liệu những người dân của những nước tiêu thụ café hàng đầu thế giới như Phần Lan, Mỹ, Thụy Sỹ, Brazil,… có nghĩ đến Việt Nam đầu tiên khi họ uống thứ nước uống đặc biệt này. Một loạt các câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu người nghe trong suốt chương trình giao lưu.
Rõ ràng tại Việt Nam, MIT SLOAN đã chọn Trung Nguyên như một trường hợp điển hình (case study) để nghiên cứu là đúng. Bởi tầm nhìn của Trung Nguyên trong việc phát triển ngành cà phê thế giới khá rõ. Bởi có bao nhiêu doanh nghiệp có suy nghĩ như Trung Nguyên - biến Buôn Mê Thuật thành thánh địa cà phê, thủ phủ của cà phê thế giới, bởi nếu như 10 năm trước đây thế giới chưa biết nhiều về “vàng đen” của Việt Nam thì nay họ đã biết đến cà phê có chất lượng của chúng ta và rằng họ phải quay lại đất nước hình chữ S này không chỉ để thưởng thức thứ café thứ thiệt của đất Việt mà để được tham quan bảo tàng cà phê có một không hai trên trái đất.
Thế mạnh của Việt Nam phải là nông nghiệp. Bởi đất nước ta có đến trên 80% dân số làm nghề nông. Tôi luôn trăn trở và quyết tâm bám theo ý tưởng này của mình. Nhưng vấn đề là chúng ta phải trồng cây gì, nuôi con gì? Phải làm sao sản sinh ra những mặt hàng đặc sản, có giá trị gia tăng cao. Liệu café có phải là 1 trong những “cây chiến lược”, “cây tầm nhìn” của chúng ta? Muốn hay không tôi cũng hoàn toàn chia sẻ với người đứng đầu của tập đoàn Trung Nguyên rằng cây cà phê không chỉ là kinh tế mà còn hơn thế nữa: môi trường, ngoại giao, lương thực, nhân văn, nghệ thuật,… Muốn hay không tôi cũng thấy xúc động khi biết rằng chúng ta cần những khát vọng lớn, những tinh thần hợp tác quốc tế, sự sáng tạo đột phát, những kỹ năng tạo ra giá trị cốt lõi để đưa cà phê lên đỉnh cao của văn hóa và nghệ thuật, của nhân văn và trí tuệ.
Đoàn MIT SLOAN thưởng thức Cafe Trung Nguyên
Cà phê đâu chỉ là một loại cây. Cà phê đâu chỉ là một đồ uống. Cà phê là di sản văn hóa của nhân loại. Ly cà phê mà chúng ta uống hàng ngày không đơn thuần là kết tinh của nguyên liệu tốt và công nghệ hiện đại mà còn là hồn đất của 160 triệu năm, là hồn sông hồn núi, là bí quyết phương đông huyền bí. Và như vậy, khi uống café chúng ta cần nói 1 câu rất đơn giản “cám ơn cà phê”. Ta nói ra không bằng âm thanh hay bằng các ngôn ngữ mà nói trong lòng, trong tâm, từ trái tim mình. Làm được việc này chắc chắn chúng ta sẽ thấy cà phê ngon hơn. Hơn thế nữa, với hành động nhỏ này, chúng ta đã góp phần vào chiến lược và tầm nhìn của cà phê Việt.
Tầm ảnh hưởng của cà phê hiện nay đã vượt khỏi khuôn khổ nông nghiệp. Tôi sẽ không hề thiên vị khi nói rằng Trung Nguyên là thương hiệu tiên phong, nỗ lực xây dựng và phát triển quan điểm này. Và không chỉ có mình tôi, nhiều bạn đọc đang đọc bài viết này chắc chắn cũng đang chia sẻ cùng quan điểm.
Câu nói ấn tượng nhất của buổi giao lưu với các nhà lãnh đạo thế giới là lời của giáo sư Joseph Nye, người được mệnh danh là nhân vật có ảnh hướng lớn trên thế giới (the Planet’s most influential person) mà tôi muốn trích nguyên bằng tiếng anh “Coffee Power is Vietnam’s soft and smart power”. Thế mới hiểu rằng giá trị của café lớn chừng nào. Thế mới biết tầm nhìn của café Việt quan trọng đến nhường nào.
Tôi gõ những dòng chữ này lúc mới 04 giờ sáng. Hình ảnh của cả trăm nhà lãnh đạo đến từ khắp các nước có mặt tại Số 7 Nguyễn Văn Chiêm, Quận 1, Tp.HCM vẫn in đậm trong đầu tôi. Những trao đổi và sẻ chia của họ với Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ về tầm nhìn và chiến lược cạnh tranh của Trung Nguyên trước các đối thủ là những tập đoàn đa quốc gia trong cuộc chinh phục thế giới, về lý do tại sao doanh nghiệp này lại chọn cà phê là “lẽ sống” của mình vẫn như còn đọng trong đầu tôi như những giọt cà phê đen, thơm và ấn tượng.
Và tôi thầm cám ơn người bạn yêu quý đã mời tôi đến dự buổi gặp gỡ và trao đổi đặc biệt này. Để hiểu thêm về triết lý “sống cà phê, chết cà phê, lên thiên đường cũng cà phê”. Để cám ơn tiến sỹ Howard Moskowitz, người đã ủng hộ Việt Nam và Trung nguyên khi tuyên bố rằng “Trung Nguyên đã làm cuộc cách mạng trong cà phê và sẽ làm thay đổi thế giới. Trung nguyên sẽ vượt lên cả Pepsi bởi sự thật sẽ là như vậy. Tôi chờ đợi cả 30 năm để đến thời điểm này. Chúng ta có thể làm được việc đó. Tôi tin. Tôi cũng ở trong đó.”
Nguyễn Mạnh Hùng
Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Thái Hà Books
No comments:
Post a Comment