Tuesday, June 7, 2011

Ông chủ Best Carings và 'triết lý' bán lẻ

Le-Hong-XuanKhông ngừng cải tiến quy trình quản lý và sản xuất là bài học từ triết lý Kaizen của người Nhật mà ông Lê Hồng Xuân đã học được. 

Bài học về Kaizen, những so sánh thú vị về xu hướng tiêu dùng Việt Nam, Nhật Bản và những điều gần giống như thế là kinh nghiệm mà Lê Hồng Xuân, ông chủ siêu thị điện máy Best Carings, đã tích lũy được sau 2 năm thực hiện nhượng quyền bán lẻ từ mô hình Best Denki của Nhật. Đây là những hành trang để ông bước vào cuộc đua bán lẻ sôi động trong thời gian tới.

- Qua mô hình nhượng quyền bán lẻ từ Best Denki, bài học nào về quản trị mô hình bán lẻ đã được ông rút ra?

Người Nhật quản trị theo phương pháp Kaizen (cải tiến liên tục), nghĩa là “tháo cái gì đó ra và ráp lại theo hướng tốt hơn một cách liên tục”. Theo cách này, mọi quá trình quản lý dịch vụ khách hàng đều luôn được định kỳ mổ xẻ, để đặt ra những câu hỏi: có cách nào làm tốt hơn không? Chi phí thấp hơn không? Khách hàng hài lòng hơn không? Có rủi ro gì tiềm ẩn nữa trong tương lai không?... Từ đó, quy trình sẽ được xây dựng lại, cải tiến từng ngày, từng tháng, từng năm theo hướng tốt và hiệu quả hơn.

Ngoài ra, cón có một đặc điểm thú vị nữa: người Nhật luôn đề cao kiểm soát quá trình. Nghĩa là, họ đặt ra mục tiêu từng giai đoạn cho tất cả các cấp từ nhân viên thấp nhất đến cao nhất. Và kết quả cuối cùng vẫn không phải là tiêu chí duy nhất để đánh giá hiệu quả hoàn thành công việc.

- Khi triển khai công nghệ bán lẻ của Best Denki tại Việt Nam, ông gặp phải khó khăn gì xét về khía cạnh văn hóa tiêu dùng?

Vì Nhật là đất nước của công nghệ nên khoa học bán lẻ cũng như thế. Nghĩa là, nhiều thứ được tự động hóa bằng điện tử và máy móc. Đó là lý do người tiêu dùng Nhật quen với việc tự mình tìm hiểu mọi thứ khi cần mua một sản phẩm. Nhà bán lẻ chỉ cần thực hiện việc trưng bày, thông tin sản phẩm, cách vận hành sản phẩm thông qua hệ thống máy tính và những tài liệu được in sẵn lên sản phẩm.

Trong khi đó, người tiêu dùng Việt Nam thích được quan tâm, chăm sóc và giải thích trực tiếp, thích được phục vụ bởi con người hơn là đối thoại với máy móc. Cho nên, cần phải điều chỉnh theo hướng dùng nhân viên để phục vụ khách hàng.

- Theo ông, đâu là bài toán khó cho những nhà kinh doanh bán lẻ? Và đâu là những lời giải căn cơ?

Thứ nhất, bán lẻ nói chung và bán lẻ điện máy nói riêng là một ngành kinh doanh thương mại đa sản phẩm, tại một siêu thị điện máy luôn có hàng ngàn mặt hàng. Số lượng sản phẩm mới được tung ra thị trường nhanh chóng mặt, khiến cho không gian cần có để trưng bày và bán sản phẩm luôn là một thách thức.

Bên cạnh đó, tập quán kinh doanh của nhiều nhà bán lẻ Việt Nam là chạy theo doanh số trước mắt thông qua các hình thức giảm giá hay khuyến mãi. Điều này dẫn đến những cuộc chạy đua không cần thiết, ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Mặt khác, ở lĩnh vực này, thời gian thu hồi vốn lâu hơn và khả năng tái đầu tư thấp, chậm.

Để khắc phục được những điều này, nhà kinh doanh phải hoạch định chiến lược xây dựng và phát triển dài hạn, tạo ra sự khác biệt cần thiết giúp khách hàng nhận thấy lợi ích lâu dài của sản phẩm.

- Ông có thể cho biết chiến lược kinh doanh của Best Carings trong thời gian tới?

Best Carings sẽ có hai hướng chiến lược chính trong thời gian tới. Một là tăng cường tốc độ phát triển về chuỗi cửa hàng. Đây là sự chọn lựa gần như bắt buộc trong điều kiện chúng tôi đã có đội ngũ quản lý, khả năng điều hành, kinh nghiệm thực hành kinh doanh và quan hệ nhà cung cấp cũng như khách hàng. 

Thứ hai là tiếp tục tìm kiếm để tạo nên sự khác biệt trong việc xây dựng trải nghiệm mua sắm cho người tiêu dùng.

- Ông nghĩ sao về dự báo, các nhà bán lẻ tổng hợp và chuyên doanh nước ngoài sẽ đổ bộ vào Việt Nam trong thời gian không xa?

Tôi chỉ xin nói về mảng kinh doanh điện máy với cuộc chiến cạnh tranh về giá hiện nay và thời gian tới. Trong cuộc chiến giá cả này, những nhu cầu quan trọng và dài hạn hơn của người tiêu dùng bao gồm được nhiều lựa chọn hơn về chủng loại sản phẩm, được tư vấn lựa chọn và chăm sóc hậu mãi tốt hơn, được hỗ trợ nhiều hơn trong quá trình vận hành sản phẩm… có thể bị lãng quên. Nhưng chúng tôi vẫn kiên quyết đi theo hướng của mình là tạo ra sự khác biệt bên cạnh ý thức quan hệ lâu dài với khách hàng chứ không nhất thời.

Theo NCĐT

No comments:

Post a Comment