Saturday, February 4, 2012

Sách và thư viện


Thật sự tôi không có nhiều sách. Cách đây vài năm, với ước muốn đạt được phẩm chất cao nhất cho cuộc sống mà chỉ sở hữu tối thiểu, tôi đã thực hiện những sự lựa chọn nhất định. Điều này không có nghĩa là tôi chuộng lối sống của một tu sĩ; ngược lại, loại bỏ càng nhiều sở hữu của chính mình sẽ mang đến cho mình sự tự do lớn lao. Một số bạn bè của tôi (cả nam và nữ) than phiền rằng, bởi vì họ có quá nhiều quần áo, họ phí nhiều thời gian trong cuộc sống để quyết định sẽ mặc thứ gì. Giờ đây khi tôi đã làm cho tủ quần áo của tôi giảm thiểu đến ‘màu đen cơ bản’, tôi không còn có vấn đề này nữa.
 Tuy nhiên, ở đây tôi không nói về thời trang, mà nói về những cuốn sách. Trở lại với chủ điểm của tôi, tôi đã quyết định chỉ giữ bốn trăm cuốn sách trong thư viện của mình, một số bời vì giá trị về tình cảm, một số khác bởi vì tôi luôn luôn đọc lại chúng. Tôi quyết định như thế vì nhiều lý do khác nhau, và một trong những lý do đó là nỗi buồn khi nhìn thấy những thư viện, mà chủ nhân đã khổ công góp nhặt trong suốt cuộc đời, thường bị người ta đem đi bán tống bán tháo lúc chủ nhân qua đời, không biểu lộ một chút tôn trọng nào đối với họ. Ngoài ra, tại sao tôi lại giữ tất cả những cuốn sách này trong nhà? Phải chăng là để chứng tỏ cho bạn bè tôi biết rằng tôi đã trau dồi trí tuệ như thế nào? Hay là để trang hoàng những bức tường? Những cuốn sách tôi đã mua có lẽ hữu dụng ở một thư viện công cộng hơn là ở trong nhà tôi.
 Tôi thường nói rằng tôi cần những cuốn sách của tôi trong trường hợp tôi muốn truy lục điều gì đó. Tuy nhiên, giờ đây, khi tôi cần tìm một điều gì đó, tôi mở máy vi tính, gõ một vài chữ chủ yếu, và mọi điều tôi cần biêt hiện lên trên màn hình — nhờ sự ưu đãi của internet, cái thư viện vĩ đại nhất trên hành tinh này.
 Dĩ nhiên, tôi vẫn tiếp tục mua những cuốn sách mà phương tiện điện tử không thể thay thế cho chúng; nhưng ngay sau khi tôi đọc xong một cuốn sách, tôi cho nó ra đi; tôi đưa nó cho ai đó, hoặc đưa nó cho thư viện công cộng. Mục đích của tôi không phải là để bảo vệ rừng cây hoặc để làm một người hào phóng. Tôi chỉ tin một cách đơn giản rằng một cuốn sách có cuộc hành trình riêng của nó, và không nên bị buộc phải nằm kẹt trên một kệ sách.
 Là một người viết văn và sống bằng tiền nhuận bút, có lẽ tôi đang làm một việc có hại cho chính bản thân tôi; nói cho cùng, người ta mua càng nhiều sách, tôi kiếm được càng nhiều tiền. Tuy nhiên, điều đó có thể không công bằng cho độc giả, đặc biệt trong những đất nước mà phần lớn ngân quỹ chính phủ bỏ ra để mua sách cho các thư viện thì rõ ràng không dựa trên hai tiêu chuẩn chính để có một sự lựa chọn nghiêm túc — niềm vui thích mà độc giả được hưởng khi đọc một cuốn sách, và phẩm chất của văn chương.
 Hãy cho những cuốn sách của chúng ta tự do du hành, để rồi chúng được những bàn tay khác chạm vào, và được những đôi mắt khác thưởng thức. Trong lúc tôi viết điều này, tôi thoáng nhớ lại một bài thơ của Jorge Luis Borges nói về những cuốn sách không bao giờ được giở ra một lần nữa.
 Bây giờ tôi đang ở đâu? Đang ngồi trong một quán café ở một thị trấn nhỏ thuộc miền Pyrénées của nước Pháp, thoải mái với máy điều hoà không khí, bởi vì ngoài kia trời nóng không chịu nổi. Tôi có đầy đủ những cuốn sách của Borges ở nhà tôi, chỉ cách nơi tôi ngồi viết bài này chừng vài cây số — Borges là một trong những tác giả mà tôi không ngừng đọc đi đọc lại. Nhưng tại sao tôi không đem cái lý thuyết của mình ra thực hành thử xem sao?
 Tôi băng qua đường và đi bộ khoảng năm phút, đến một quán café khác, quán này có trang bị những máy vi tính (một cái quán được biết bằng cái tên dễ nghe, nhưng lại nghịch lý, là ‘cyber-café’). Tôi chào người chủ quán, gọi một ly nước khoáng ướp lạnh, mở google, và gõ vài chữ của một câu thơ mà tôi còn nhớ, cùng với tên của tác giả. Chưa đầy hai phút, tôi có được cả bài thơ trước mặt tôi:

Có một câu thơ của Verlaine mà giờ đây tôi không còn nhớ nổi
Có một đường phố gần kề mà chân tôi không thể bước đến nơi
Có một tấm gương đã soi vào mặt tôi một cái nhìn trăn trối
Có một khung cửa lần cuối cùng tôi đã đóng lại rồi
Giữa những cuốn sách trong thư viện tôi (ngay giờ đây tôi có thể nhìn thấy chúng)
Có vài cuốn tôi sẽ chẳng bao giờ giở ra một lần nữa trong đời.

Tôi có cảm giác giống như vậy đối với nhiều cuốn sách mà tôi đã cho đi: tôi sẽ chẳng bao giờ giở chúng ra lần nữa, bởi vì những cuốn sách mới và thú vị đang được liên tục xuất bản, và tôi thích đọc sách. Giờ đây, tôi nghĩ thật là tuyệt vời nếu ai cũng có thư viện; nói chung, một đứa trẻ tiếp xúc với sách lần đầu tiên vì nó tò mò muốn khám phá những pho đóng bìa cứng trong đó có chứa những hình vẽ và chữ; nhưng tôi cũng có cảm giác tuyệt vời như thế khi một độc giả, trong một buổi ra mắt sách mới, bước đến tôi, cầm theo một cuốn sách cũ của tôi đã tả tơi vì đã được chuyền tay từ người bạn này đến người bạn khác hàng chục lần. Điều này có nghĩa là cuốn sách đã du hành cũng giống như tâm trí tác giả của nó đã du hành trong khi ông ta đang viết ra nó.

Thư viện
Paulo Coelho
Bản dịch của Hoàng Ngọc Trâm & Hoàng Ngọc-Tuấn
—————–
Dịch theo bản tiếng Anh của Margaret Jull Costa, “Of Books and Libraries”, trong Paulo Coelho, Like the Flowing River: Thoughts and Reflections (Sydney: HarperCollins, 2007), 71-74.

No comments:

Post a Comment