Wednesday, August 31, 2011

Sử dụng phương tiện truyền thông xã hội một cách tỉnh thức


Những lời khuyên để viết các câu trạng thái (status) sao cho đúng đắn từ @tinybuddha
Hai năm gần đây, thông qua một tài khoản Twitter gọi là Tiny Buddha, mỗi ngày tôi đều đưa lên những câu danh ngôn tuệ ngữ. Vì số lượng người theo dõi (followers) đã phát triển một cách nhảy vọt, mọi người đã đề nghị tôi đưa lên thường xuyên hơn trong cả ngày. Tuy nhiên, tôi đã nhận ra bài học lớn nhất mà chúng ta có thể học được là: hơi ít là vừa đủ. Trong một thời đại khi mà sự kết nối có vẻ như là những món hàng và tương tác trực tuyến đôi khi trở nên thiếu tin cậy, thì tỉnh thức không phải chỉ là vấn đề thúc đẩy nâng cao nhận thức. Mà nó còn rất liên quan tới những người khác và chính bản thân chúng ta. Với mục tiêu này trong đầu, tôi đã viết ra một danh sách 10 mẹo nhỏ để chúng ta có thể sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội một cách tỉnh thức.
1. Biết rõ các ý định của bạn.
Doug Firebaugh trong trang SocialMediaBlogster.com đã xác định bảy nhu cầu tâm lý chúng ta có thể tìm cách đáp ứng khi chúng ta đăng nhập: thừa nhận, quan tâm, đồng tình, trân trọng, tôn vinh, tự tin, và thu nhận. Trước khi bạn đăng một điều gì, hãy tự hỏi: Phải chăng tôi đang muốn được người khác để mắt tới hay công nhận? Liệu có một cái gì đó mang tính xây dựng hơn mà tôi có thể làm để đáp ứng nhu cầu đó?
2. Hãy là người thành thực.
Trong thời đại xây dựng thương hiệu cá nhân hiện nay, hầu hết chúng ta đều có một chiếc mặt nạ mà chúng ta muốn phát triển hoặc duy trì. Những câu được đưa lên xuất phát từ động cơ của bản ngã thì đều đã được toan tính; còn những người thành thực thì giao tiếp từ trái tim. Hãy thảo luận về những điều thực sự quan trọng với bạn. Nếu bạn cần tư vấn hay hỗ trợ, yêu cầu điều gì. Sẽ dễ dàng hơn để có mặt trong hiện tại khi bạn thành thực với chính mình.
3. Nếu bạn định đưa lên một điều gì, hãy luôn tự hỏi: Điều đó có thật không? Có cần thiết không? Có tốt đẹp không?
Đôi khi chúng tôi đưa lên những suy nghĩ mà không cân nhắc xem chúng có thể tác động đến những người khác như thế nào. Thật dễ dàng để quên đi bao nhiêu người bạn đang đọc. Hai trăm người thì đã trở thành một đám đông rồi, nhưng trên trực tuyến thì con số này có vẻ không đáng kể. Trước khi bạn chia sẻ, hãy tự hỏi: điều này có thể gây hại cho ai không?
4. Thỉnh thoảng hãy đưa lên một câu đầy thiện ý.
Đôi khi tôi hỏi một câu trên Twitter, “Hôm nay, liệu tôi có thể làm gì để giúp đỡ hay hỗ trợ cho các bạn?” Đó là một cách đơn giản để sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để cho đi mà không mong đợi bất cứ điều gì quay trở lại. Bằng cách tiếp cận để giúp đỡ một người xa lạ, bạn tạo ra khả năng kết nối một cách cá nhân với những người luôn dõi theo bạn mà có thể bạn mới chỉ biết sơ qua.
5. Hãy trải nghiệm hiện tại, sau đó mới chia sẻ.
Một việc khá phổ biến là bạn thường chụp một bức ảnh bằng điện thoại của mình và tải nó lên Facebook hoặc gửi email cho bạn bè. Điều này làm chồng chéo giữa việc trải nghiệm khoảng khắc hiện tại và chia sẻ nó. Nó cũng làm giảm đi sự thân mật, vì những người bạn trực tuyến sẽ nhảy vào tán chuyện ngay lúc đó. Cũng như khi chúng tôi muốn làm giảm đi những cuộc độc thoại nội tâm để có mặt trong hiện tại, chúng ta cũng có thể làm tương tự với những câu chuyện trực tuyến của mình.
6. Hãy chủ động, chứ không phản ứng.
Bạn có thể nhận được những thư điện tử cập nhật thông tin bất cứ khi nào có hoạt động mới diễn ra với một trong các tài khoản phương tiện truyền thông xã hội của bạn, hoặc điện thoại di động của bạn có thể thiết lập để cung cấp cho bạn các loại thông báo như vậy. Điều này buộc bạn phải quyết định nhiều lần trong ngày rằng liệu bạn có muốn hoặc cần phải trả lời hay không. Một cách khác là lựa chọn thời điểm tham gia vào các cuộc trò chuyện, và sử dụng thời gian không trực tuyến để quyết định những giá trị mà bạn muốn đem đến cho mọi người.
7. Trả lời với sự quan tâm trọn vẹn.
Mọi người thường chia sẽ các đường link liên kết mà không thực sự đọc chúng, hoặc bình luận về bài viết sau khi chỉ lướt qua chúng. Nếu món quà lớn nhất mà chúng ta có thể trao cho một ai đó là sự quan tâm của chúng ta, thì phương tiện truyền thông xã hội cho chúng ta cơ hội để trở nên rất hào phóng. Tuy không thể trả lời tất cả mọi người, nhưng với những phản hồi thận trọng khi có thể, chúng ta đã tạo nên sự khác biệt.
8. Hạn chế sử dụng phương tiện truyền thông xã hội qua điện thoại di động.
Trong năm 2009, Pew Research cho thấy 43% người sử dụng điện thoại di động để truy cập vào các trang web trên thiết bị của họ nhiều lần trong ngày. Đó là những gì mà cựu nhân viên của Microsoft Linda Stone gọi là liên tục phân tán sự chú ý (continuous partial attention), khi bạn thường xuyên đăng nhập để đảm bảo rằng bạn không bỏ lỡ bất cứ điều gì. Nếu lựa chọn hạn chế sự truy cập qua điện thoại di động, có thể bạn sẽ bỏ lỡ những gì đang trực tuyến, nhưng sẽ không bỏ lỡ những gì đang xảy ra trước mặt mình.
9. Thực tập buông bỏ.
Bạn có thể cảm thấy không tốt lắm khi bỏ qua một số thông tin cập nhật hoặc những gì mọi người đang đưa lên, nhưng chúng ta cần thời gian ở ngoài đời thực để sống tốt với chính bản thân mình. Bạn hãy cho phép dòng chảy thông tin của ngày hôm qua trôi đi. Bằng cách này, bạn sẽ không cần phải “bắt kịp” những thông tin cập nhật đã trôi qua mà thay vào đó, bạn có thể tham dự vào cuộc trò chuyện của ngày hôm nay.
10. Thưởng thức phương tiện truyền thông xã hội!
Trên đây chỉ là những gợi ý để bạn cảm nhận hiện tại và tính mục đích khi sử dụng phương tiện truyền thông xã hội, nhưng chúng không phải là những quy tắc cứng nhắc. Hãy đi theo tiếng nói của trực giác trong bạn và vui vẻ với nó. Nếu bạn đã tỉnh thức khi bạn không kết nối với các thiết bị công nghệ, thì bạn đã có sẵn tất cả các công cụ cần thiết để tỉnh thức khi bạn đang trực tuyến.
Lori Deschene là người sáng lập của @TinyBuddha trên Twitter và tinybuddha.com, một blog đặc sắc của nhiều tác giả về đề tài trí tuệ và những câu chuyện của mọi người trên khắp thế giới.
Nguồn: Lori Deschene, 10 Mindful Ways to Use Social Media
Bản tiếng Việt © 2011 Kiran
Bản tiếng Việt © 2011 Phát triển Cá nhân

Nguồn động lực mạnh nhất trong kinh doanh?




Là một nhà quản lý, người lãnh đạo hay giám đốc điều hành, động lực của bạn trong kinh doanh là gì?
Hãy suy nghĩ về điều đó trong một giây. Cái gì đã kéo bạn ra khỏi giường vào buổi sáng và là động lực khiến bạn đi làm? Điều gì thực sự nằm sau những lựa chọn của bạn? Bạn đặt ra những mục tiêu và tham vọng của mình như thế nào?
Có rất nhiều phương án trả lời. Hỏi một ngàn người và bạn sẽ nhận được một ngàn câu trả lời khác nhau. Tiền có lẽ là câu trả lời được lựa chọn nhiều nhất. Cũng tương tự như vậy với quyền lực, tầm ảnh hưởng, thăng tiến, danh vọng, sự an toàn và thành công.
Nhưng tôi tin rằng có một nguồn động lực đã bị bỏ quên, bị đánh giá không đúng mức trong kinh doanh. Một động lực có thể đưa đẩy bạn đến những thành tựu xuất sắc, những quyết định khôn ngoan và những mối quan hệ vững chắc trong kinh doanh. Một nguồn động lực mạnh mẽ mà – nếu bạn khai thác và tận dụng được nó trong công việc – sẽ khiến bạn làm việc hiệu quả hơn và yêu thích công việc của mình hơn.
Một nguồn động lực mà tất cả các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở khắp mọi nơi cần phải biết về nó và áp dụng nó trong kinh doanh từ mức độ căn bản nhất.
Tò mò chưa?
Và nó ở đây: Động lực mạnh mẽ nhất trong kinh doanh chính là hạnh phúc! Vâng, hạnh phúc trong công việc.
Tôi biết rằng công việc thường được coi như một mảnh đất cằn cỗi – một kinh nghiệm không hề dễ chịu mà bạn phải chịu đựng để kiếm sống qua ngày.
Công việc thì khó khăn, chết tiệt và nó đúng là như thế! Còn nếu mọi người đang say sưa hứng khởi thì tức là nó đã không còn là công việc nữa rồi!
Nhưng đó lại là một nhận định sai lầm các bạn ạ. Tôi biết, và các nghiên cứu cũng chứng minh đã cho điều này, rằng những người làm công việc của mình tốt nhất khi họ yêu thích những gì họ làm. Nó không có nghĩa là chúng ta phải yêu tất tần tật những gì thuộc về công việc của chúng ta, nhưng khi chúng ta yêu công việc nhiều hơn là ghét, chúng ta sẽ làm việc hiệu quả và năng suất hơn rất nhiều.
Có ba cách mà bạn – với tư cách một nhà lãnh đạo có thể khai thác và sử dụng nguồn lực hạnh phúc này để chèo lái con tàu sự nghiệp của mình.
1: Làm cho nhân viên của bạn hạnh phúc
Các nghiên cứu đều cho thấy rằng những nhân viên yêu công việc của họ có ít ngày nghỉ ốm hơn, gắn bó với công việc lâu hơn, làm việc năng suất hơn, cung cấp dịch vụ khách hàng tốt hơn và có chất lượng công việc cao hơn. Thực tế cho thấy, nhân viên hạnh phúc luôn làm việc tốt hơn các nhân viên không thỏa mãn trong bất cứ lĩnh vực nào.
Nếu nhìn sâu hơn vào câu chuyện thành công tại hầu hết các doanh nghiệp, bạn sẽ thấy thực chất của vấn đề nằm ở một nhóm người luôn suy nghĩ “Chúa ơi, điều này thật tuyệt – Tôi không thể tin được làm việc với đội dự án này lại vui đến thế!”
Và đó là lý do tại sao tất cả những ông chủ, các nhà lãnh đạo cần phải tập trung vào nhân viên của mình trước tiên và phải đảm bảo rằng họ hạnh phúc trong công việc.
Nhưng khách hàng có phải là mối quan tâm hàng đầu không? Chắc chắn như vậy. Khi một công ty đặt nhân viên của mình lên hàng đầu, nhân viên sẽ đặt khách hàng lên hàng đầu, bởi những người hạnh phúc có thiên hướng chăm sóc khách hàng tốt nhất. Hãy nghĩ về điều đó: Bạn muốn được ai phục vụ khi bước vào nhà hàng: một anh bồi bàn cáu kỉnh căm ghét ông chủ của mình và đồng nghiệp hay một cô bồi bàn yêu thích công việc?
2: Làm cho khách hàng của bạn hạnh phúc
Mục tiêu của bạn là gì? Bán hàng được nhiều nhất có thể? Tối đa hóa doanh số và đạt mục tiêu ngân sách? Luôn gia tăng giá trị sản phẩm?
Hay là làm cho các khách hàng của mình hạnh phúc?
Lựa chọn thứ hai sẽ mang đến cho bạn những khách hàng trung thành nhất. Một khi khách hàng biết rằng bạn thực sự mang đến lợi ích tốt nhất và chân thành mong muốn những điều tốt lành cho họ, họ sẽ tiếp tục quay lại thêm nhiều lần nữa. Có thể hiện tại bạn chỉ làm ăn nhỏ, nhưng trong dài hạn có thể bạn sẽ làm ăn lớn hơn nhiều.
Doanh nghiệp nào chọn cách tiếp cận này cũng có được sự hài lòng khi biết rằng bản thân họ đang giúp đỡ mọi người.
3: Làm cho mình hạnh phúc trong công việc
Còn bạn thì sao? Bạn có yêu công việc của mình? Bạn có huýt sáao vui vẻ mỗi khi đến văn phòng hay khi tan sở về nhà? Bạn có đang làm những việc bạn thật sự yêu thích? Bạn có tin tưởng và quý mến những người quanh bạn?
Chính bạn, với tư cách một nhà lãnh đạo doanh nghiệp, cần phải hạnh phúc trong công việc với một lý do đơn giản: Nếu bạn ghét công việc của mình, bạn sẽ làm ảnh hưởng xấu đến tất cả những người xung quanh. Là một nhà lãnh đạo, bạn là người tạo ra không khí làm việc và mọi người sẽ chú ý bất cứ biểu hiện nào của bạn. Hãy trở thành một tấm gương và hãy làm cho mình hạnh phúc trong công việc.
Khi bạn làm được điều này, bạn cũng sẽ trở nên thành công hơn. Một nghiên cứu gần đây cho thấy: trong khi thành côngcũng sẽ làm cho con người hạnh phúc, thì mối tương quan này lại mạnh mẽ hơn theo chiều ngược lại, có nghĩa làrằng người hạnh phúc thường trở nên thành công và giàu có hơn. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả, vì người hạnh phúc hơn sẽ lạc quan hơn, sung sức hơn, duyên dáng hơn và sáng tạo hơn – đó cũng là tất cả những phẩm chất cần thiết trong kinh doanh
Lựa chọn thực sự
Và đây là điều mà một trong số những công ty thành công nhất với lợi nhuận cao nhất thế giới đã nhận ra: Rằng chúng ta không phải hi sinh mục tiêu kinh doanh và lợi nhuận để trở nên hạnh phúc. Sự thực là, biến hạnh phúc thành nguồn lực trong kinh doanh sẽ khiến chúng ta có nhiều lợi nhuận hơn nữa.
Bạn không cần phải chọn giữa hạnh phúc trong công việc và sự thành công – sự lựa chọn thực sự là:
Bạn có muốn việc kinh doanh của bạn trở nên hạnh phúc và thành công hơn không?
Hay bạn muốn không hạnh phúc và kém thành công hơn?
Thật là một lựa chọn khó khăn, nhỉ: o)
Câu hỏi hiển nhiên là: Tôi có thể làm được gì? Làm thế nào tôi có thể làm cho bản thân mình và những người khác hạnh phúc trong công việc?
Chúng ta sẽ quay lại vào ngày mai với một thử thách cho tất cả các nhà lãnh đạo – một phương pháp đơn giản để tạo ra các nguyên tắc cơ bản về hạnh phúc trong công việc cho chính bản thân bạn và nhân viên của bạn.
Bản tiếng Việt © 2011 Juju
Bản tiếng Việt © 2011 Phát triển Cá nhân

Nếu người đó là trẻ nhỏ hoặc người già


Hãy tưởng tượng những người trong cuộc đời của bạn là những trẻ sơ sinh bé nhỏ và là những cụ già trăm tuổi
Tôi học được kỹ thuật này cách đây gần hai mươi năm. Nó đã chứng tỏ cực kỳ thành công trong việc giải tỏa những cảm giác bực tức đối với những người khác.
Hãy nghĩ đến một người nào đó thật sự làm bạn bực tức, làm cho bạn giận dỗi. Bây giờ, nhắm mắt lại và cố tưởng tượng người này là một trẻ sơ sinh nhỏ bé. Nhìn khuôn mặt nhỏ nhắn và đôi mắt bé tí ngây thơ. Nhớ là các em bé không thể nào tránh được lầm lỗi và mỗi người chúng ta cũng đã một lần là trẻ sơ sinh nhỏ bé. Bây giờ, xoay kim đồng hồ cho tới một trăm năm. Xem chính người đó như là một cụ già sắp từ giã cõi đời. Nhìn đôi mắt tiều tụy và nụ cười yếu ớt của người ấy biểu lộ đôi chút khôn ngoan và nhìn nhận lỗi lầm mình đã gây ra. Nhớ là mỗi người trong chúng ta sẽ một trăm tuổi, còn sống hoặc dã chết, trước lúc quá nhiều thật niên trôi qua.
Bạn có thể giải trí với kỹ thuật này và thay đổi nó bằng nhiều cách. Nó gần như luôn luôn đem đến cho người sử dụng một cái nhìn sâu sắc cần thiết và lòng thương xót nào đó. Nếu mục đích của chúng ta là trở nên thanh tịnh và nhân từ hơn, chắc chắn chúng ta không muốn để trong lòng những ý nghĩ không tốt về những người khác.
Trích Bí Quyết Sống Yên Tâm – Richard Carlson, Ph.D.

Cái ác không phải là kẻ thù của bạn


Thất bại nghiêm trọng nhất của thuyết duy linh lộ rõ khi đối mặt với cái ác. Những người lý tưởng và có lòng nhân ái vốn không bao giờ chịu tổn thương đến người khác lại thấy mình bị lôi cuốn vào cơn lốc chiến tranh. Các tôn giáo rao giảng sự hiện hữu của vị Thượng Đế duy nhất lại tổ chức các chiến dịch tàn sát kẻ ngoại đạo. Các tôn giáo tình thương biến thành nhóm người căm ghét kẻ dị giáo và những kẻ báng bổ đe dọa đức tin của họ. Ngay trong trường hợp bạn nghĩ rằng mình nắm giữ chân lý tối hậu, thì cũng không bảo đảm rằng bạn sẽ thoát khỏi sự cám dỗ của cái ác. Đã xảy ra nhiều hành vi bạo lực nhân danh tôn giáo hơn bất kỳ lý do nào khác. Vì thế mà có câu cách ngôn khá cay đắng là: Thượng đế phán truyền chân lý, và quỷ Satan nói: “Để ta sắp đặt nó”.
Cũng có trường hợp thất bại tế nhị do thái dộ thụ động – đứng bàng quan để cho cái ác mặc sức tung hoành. Có lẽ tình hình này phản ảnh một niềm tin bí ẩn cho rằng cái ác rốt cục mạnh mẽ hơn cái thiện. Một trong các nhân vật duy linh nhất thế kỷ 20 khi được hỏi Anh quốc nên đối phó với mối đe dọa của chủ nghĩa Quốc Xã ra sao, ông ấy đáp:
Tôi muốn các bạn chiến đấu với chủ nghĩa Quốc Xã không bằng khí giới. Tôi muốn các bạn hạ khí giới xuống, bởi vì chúng không giúp ích cho việc cứu vãn các bạn hoặc nhân loại. Các bạn cứ mời Đức ông Hitler và Quí ngài Mussolini lấy đi những thứ họ muốn ở đất nước mà các bạn gọi là tài sản của mình. Hãy để cho họ mặc sức sở hữu hòn đảo xinh đẹp của các bạn, cùng với những dinh thự điền sản ở đó. Các bạn cứ biếu tặng tất cả những thứ này, nhưng đừng để mất linh hồn, cũng đừng để mất tâm trí của các bạn.
Tác giả đoạn văn này là Thánh Gandhi; và khỏi phải nói, bức “thư ngỏ” của ông gửi cho người dân Anh đã được chào đón bằng cơn chấn động đầy phẫn nộ. Tuy vậy, Gandhi thật chân tâm với nguyên tắc Bất Bạo Động của mình. Ông đã vận dụng thành công nguyên tắc bất bạo động nhằm thuyết phục người Anh trao trả quyền tự do cho Ấn Độ; vậy là bằng cách từ chối tham chiến chống lại Hitler – lập trường ông theo đuổi suốt cuộc Thế Chiến II – Gandhi đã theo đúng đức tin của mình. Liệu tinh thần Bất Bạo Động ấy có thực sự thuyết phục được Hitler, con người đã công khai tuyên bố rằng: “Chiến tranh là cha đẻ của mọi thứ” hay không? Chúng ta hẳn sẽ không bao giờ biết được. Có điều chắc chắn là bản thân thái độ thụ động có một khía cạnh đen tối. Giáo hội Kitô đã để lại một trong các dấu ấn ở kỷ nguyên tăm tối nhất của mình trong những năm mà giáo hội dửng dưng mặc cho hàng triệu người Do Thái bị tàn sát bởi chủ nghĩa Quốc Xã, để mặc cho người Do Thái ở nước Ý bị tập trung trong tầm nhìn của các khung cửa sổ Tòa Thánh Vatican.
Thế là chúng ta hãy thừa nhận rằng thái độ duy linh đã thất bại trong vô số dịp đương đầu với các ác. Từ bỏ  các lời giáo huấn vốn chỉ cho phép cái ác sinh sôi bành trướng, thực tại duy nhất mở ra con đường mới mẻ, bởi vì nếu chỉ có một thực tại duy nhất thôi, thì cái ác không có sức mạnh gì đáng kể và cũng không hiện hữu riêng biệt. Không có quỷ Satan kình địch với Thiên Chúa trên bình diện vũ trụ, và thậm chí cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác cũng chỉ là ảo tưởng sản sinh bởi não trạng nhị nguyên đối đãi mà thôi. Nói cho cùng, cả hai cái thiện và cái ác đều là các hình tướng mà ý thức có thể chọn lấy. Theo ý nghĩa đó, cái ác không khác biệt gì so với cái thiện. Chúng tương đồng bởi vì sau cùng chúng đều trở về một cội nguồn. Hai đứa trẻ sinh ra trong cùng một ngày, khi trưởng thành có lẽ một đứa theo cái ác còn đứa kia theo cái thiện; nhưng lúc sơ sinh thật lòng không thể nói rằng đứa theo cái ác sinh ra “tính bổn ác” được. Khả năng hành thiện và tác ác hiện hữu sẵn trong ý thức của chúng, rồi khi lớn lên ý thức của chúng sẽ được định hình bởi nhiều lực lượng khác nhau.
Các lực lượng này phức tạp đến mức việc gắn nhãn hiệu cho ai đó là tà ác hoàn toàn thật chẳng có ý nghĩa gì cả. Xin liệt kê ra dưới đây các lực lượng sẽ định hình mọi đứa trẻ sơ sinh:
  • Được cha mẹ giáo dưỡng hoặc không được giáo dưỡng.

  • Được yêu thương hoặc thiếu tình thương.

  • Hoàn cảnh gia đình.

  • Áp lực của bạn đồng học cùng trang lứa và của xã hội trong suốt cuộc sống.

  • Các thiên hướng và phản ứng của đứa trẻ.

  • Những niềm tin được gia đình nhồi sọ cùng các lời răn tôn giáo.

  • Nghiệp (Karma).

  • Trào lưu lịch sử.

  • Những mẫu người có vai trò đặc biệt trong xã hội.

  • Ý thực tập thể.

  • Sự lôi cuốn của huyền thoại, các vị anh hùng, và các lý tưởng sống.

Mọi lực lượng liệt kê trên đây đều tác động đến sự chọn lựa của bạn, rồi vô hình trung thúc đẩy bạn hành động. Bởi vì thực tại bị rối rắm bởi tất cả những luồn ảnh hưởng này, cái ác cũng rối tung rối mù như thế. Cái thiện và cái ác đều tiếp nhận tất cả những lực lượng này để xuất hiện. Nếu vị anh hùng bạn ngưỡng mộ thời thơ ấu của bạn là Jane d’Arc. Nếu bạn là người theo đạo Tin Lành, thì cuộc sống của bạn ở vùng ngoại ô các thành phố Hoa Kỳ ngày nay sẽ không giống như thời những người Pháp theo đạo Tin Lành bị khủng bố xưa kia. Hãy hình dung một con người giống như một tòa cao ốc có đến hàng trăm đường dây điện cung cấp vô số thông điệp cho nó, nhìn tòa nhà, bạn thấy nó là một khối vật chất, một vật duy nhất sừng sững ở đó. Thế nhưng, cuộc sống bên trong nó lại tùy thuộc hàng trăm tín hiệu chuyển tải đến.
Con người bạn cũng vậy.
Nguồn: Deepak Chopra, Những bì ẩn huyền diệu của sự sống

Chữ Khổ trong đạo Phật


Nhiều người khi đề cập đến Phật giáo thường gán cho hai chữ bi quan, yếm thế. Theo quan niệm của họ, Phật giáo chỉ dành riêng cho những người già cả, không thích hợp với tuổi trẻ là tuổi hăng say hoạt động: đạo Phật chỉ là một triết thuyết bi quan; những người theo đạo Phật là những kẻ chán đời, chỉ biết than vãn, tìm lãng quên sự thế qua câu kinh tiếng kệ; qua nhãn quan Phật giáo đâu đâu cũng thấy toàn cảnh khổ. Sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, mong muốn không được là khổ, trái ý nghịch lòng là khổ. Họ lý luận rằng, nếu đầu óc luôn luôn chứa đựng ý niệm khổ, thì con người sinh ra chán nản, tiêu cực và lười biếng…
Trước khi nhận định lại những thành kiến hẹp hòi và có tính cách phiến diện trên, chúng ta thử tìm hiểu xem thế nào là bi quan? Thế nào là lạc quan?
Chúng ta đưa ra một thí dụ cụ thể để hiểu rõ các danh từ có tính trừu tượng này.
Một bệnh nhân đang quằn quại, đau đớn trên giường bệnh. Thân nhân mời các vị thầy thuốc đến chữa trị.
- Vị thầy thuốc thứ nhất nhìn con bệnh rồi lắc đầu:
“Bệnh quá hiểm nghèo chắc không qua khỏi, chữa chạy cũng vô ích”.
- Vị thầy thuốc thứ hai nhìn con bệnh kết luận:
“Ồ không can gì, bệnh quá nhẹ, không cần thuốc vẫn khỏi”.
- Vị thầy thuốc thứ ba cầm lấy tay bệnh nhân chẩn mạch, tìm hiểu bệnh nhân đã lâm bệnh trong trường hợp nào, bệnh tình ra sao, nguyên nhân của căn bệnh và diễn tiến của bệnh trạng, rồi kê đơn cho thuốc.
- Vị thứ nhất quá bi quan, vị thứ hai quá lạc quan và vị thứ ba phán đoán theo thực trạng của bệnh nhân, không bi quan cũng không lạc quan.
Đức Phật là vị lương y, khi thấy căn bệnh khổ của chúng sanh, chỉ có một tâm nguyện duy nhất là tìm ra nguyên nhân và phương thuốc để điều trị căn bệnh ấy hầu giúp họ thoát khỏi những cơn đau đớn quằn quại của bệnh khổ. Đó không phải là thái độ bi quan, mà dám đối diện với sự thật để tìm cách cứu chữa.
Thật ra chữ khổ trong đạo Phật không chỉ có nghĩa là đớn đau rên siết. Khổ tuy được dịch từ thuật ngữ Pāli dukkha, chân lý đầu tiên trong Tứ Diệu Đế, nhưng ít khi được hiểu một cách đầy đủ chính xác. Vì dịch dukkha là khổ cho nên nhiều người cho rằng Phật giáo chủ trương đời chỉ là bể khổ. Lối phiên dịch và giải thích này rất sai lạc, đã gây ra ngộ nhận Phật giáo là bi quan yếm thế.
Thực ra, khổ chỉ là một trong nhiều nghĩa của dukkha, như bất toàn, hư dối, giả tạo, bất an, tạm bợ, trống rỗng, vô nghĩa, bất toại, không đáng tầm cầu, không nên bám víu, không nên tin cậy v.v. Rất khó tìm ra một chữ thích hợp để dịch trọn nghĩa từ dukkha. Khi nói đến dukkha Đức Phật không phủ nhận có hạnh phúc trong cuộc sống này. Ngài công nhận có nhiều loại hạnh phúc tinh thần và vật chất như hạnh phúc của thỏa mãn giác quan, hạnh phúc của đời sống gia đình thuận hoà hiếu thảo, hạnh phúc của sự thành đạt, hạnh phúc của lòng từ thiện vị tha v.v. và cao hơn nữa là hạnh phúc của đời sống độc cư thiền tịnh, hạnh phúc của sự thoát khỏi ràng buộc, hạnh phúc của đời sống nhẹ nhàng thanh thản, an nhiên tự tại v.v. Ngay cả những hạnh phúc trên cõi trời Dục giới, những cảnh thiền hữu sắc, vô sắc với tâm an lạc, thuần tịnh cũng không nằm ngoài dukkha. Bởi vì chúng đều là đối tượng của sự đổi thay, bất toàn, tạm bợ… không nên tầm cầu, không nên bám víu… Nghĩa là tất cả hạnh phúc nào thuộc về thế gian đều nằm trong dukkha. Như vậy, dukkha không chỉ có khổ mà còn bao hàm cả lạc và hỷ trong tam giới.
Đứng trước bệnh khổ ấy của nhân loại, chúng sinh, Đức Phật đã quán chiếu với trí tuệ để thấy ra nguyên nhân của bệnh khổ và tìm phương giúp chúng sinh thoát khỏi căn bệnh mãn tính đã đeo đẳng họ từ vô lượng kiếp. Đó chính là chân lý Tứ Diệu Đế mà Đức Phật đã giác ngộ dưới cội Bồ-đề trong đêm thành đạo.
Sau khi chứng ngộ Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, tức là thấu triệt chân tánh của vạn pháp, Ngài đã cùng hàng Thanh Văn đệ tử tích cực đem chân lý ấy giáo hóa cho đời, đem lại an lạc cho nhiều người. Tùy căn cơ trình độ của mỗi người, Ngài chỉ dạy những cách hành đạo riêng, nhưng chung quy vẫn đưa đến một mục tiêu duy nhất là thoát khỏi khổ đau. Ngài luôn chỉ cho mọi người thấy rằng: đây là khổ, đây là nhân sanh khổ, đây là sự diệt khổ và đây là con đường diệt khổ.
Chúng ta có thể nói tám muôn bốn ngàn pháp môn của Đức Phật chỉ nhằm mục tiêu “thoát khỏi vô minh ái dục, phiền não khổ đau”. Bệnh khổ của chúng sinh không sao kể xiết, nhưng cái khổ trọng đại nhất của chúng sinh là còn trầm luân trong vòng sanh tử.
Có thân tất phải có khổ. Nhưng thật ra cái khổ của thân không đáng kể, chính vì chấp rằng thân này của ta, hay nói một cách khác là ngã chấp, mới đem lại khổ đau thật sự. Nói đến ngã chấp chúng ta phải nói đến nguyên nhân sâu xa của nó là vô minh hay cụ thể là tà kiến. Khi tâm còn tối mê, không sáng suốt thì vẫn còn tạo nghiệp bất thiện, và phải tái sanh để chịu quả. Bậc Thánh nhân không sợ quả mà chỉ sợ nhân, diệt được gốc rễ của nhân phiền não, thì diệt được khổ. Diệt khổ là diệt ngay cái nhân khiến cho những bất thiện pháp dấy khởi. Khi bất thiện pháp không còn đủ sức khuấy động, khi đã diệt trừ được nguồn gốc sinh khổ, lúc ấy chắc chắn sẽ được thoát khỏi khổ đau.
Phương pháp diệt khổ của đạo Phật có rất nhiều nhưng tựu trung có thể tóm tắt vào ba điểm chính yếu sau đây:
- Ngăn ngừa những bất thiện pháp biểu hiện qua thân khẩu bên ngoài.
- Chế ngự những bất thiện pháp khởi động trong tâm.
- Diệt trừ phiền não ngủ ngầm sâu kín trong vô thức mà chính yếu là vô minh, vì vô minh là đầu mối mọi khổ đau của chúng sinh.
Muốn ngăn ngừa ác pháp không cho điều động thân khẩu chúng ta cần phải giữ giới. Muốn chế ngự những bất thiện pháp làm khuấy động tâm chúng ta cần tu tập thiền định. Muốn diệt tận phiền não ngủ ngầm nhất là vô minh chúng ta cần phải thực hành thiền tuệ vipassanā.
Tóm lại, khổ mà Đức Phật đề cập trong khổ đế là cái khổ do vô minh ái dục tạo ra, nên muốn hết khổ thì phải diệt tận vô minh ái dục. Phương pháp hữu hiệu nhất để diệt trừ vô minh ái dục là thực hành Bát Chánh Đạo. Như vậy, Đạo Phật không những đã tìm ra nguyên nhân căn bệnh của chúng sanh mà còn có cả một kho tàng linh phương, diệu dược để chữa trị bệnh khổ cho chúng sanh. Đó là thái độ sáng suốt, trầm tĩnh, tích cực, vị tha, dám đối diện với sự thật để giải quyết tận gốc, chứ không bi quan yếm thế hay giả vờ lạc quan để tự đánh lừa mình.
Nguồn: Viên Minh – Khánh Hỷ, Con đường Hạnh phúc
Theo Phattriencanhan.org