Là một nhà quản lý, người lãnh đạo hay giám đốc điều hành, động lực của bạn trong kinh doanh là gì?
Hãy suy nghĩ về điều đó trong một giây. Cái gì đã kéo bạn ra khỏi giường vào buổi sáng và là động lực khiến bạn đi làm? Điều gì thực sự nằm sau những lựa chọn của bạn? Bạn đặt ra những mục tiêu và tham vọng của mình như thế nào?
Có rất nhiều phương án trả lời. Hỏi một ngàn người và bạn sẽ nhận được một ngàn câu trả lời khác nhau. Tiền có lẽ là câu trả lời được lựa chọn nhiều nhất. Cũng tương tự như vậy với quyền lực, tầm ảnh hưởng, thăng tiến, danh vọng, sự an toàn và thành công.
Nhưng tôi tin rằng có một nguồn động lực đã bị bỏ quên, bị đánh giá không đúng mức trong kinh doanh. Một động lực có thể đưa đẩy bạn đến những thành tựu xuất sắc, những quyết định khôn ngoan và những mối quan hệ vững chắc trong kinh doanh. Một nguồn động lực mạnh mẽ mà – nếu bạn khai thác và tận dụng được nó trong công việc – sẽ khiến bạn làm việc hiệu quả hơn và yêu thích công việc của mình hơn.
Một nguồn động lực mà tất cả các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở khắp mọi nơi cần phải biết về nó và áp dụng nó trong kinh doanh từ mức độ căn bản nhất.
Tò mò chưa?
Và nó ở đây: Động lực mạnh mẽ nhất trong kinh doanh chính là hạnh phúc! Vâng, hạnh phúc trong công việc.
Tôi biết rằng công việc thường được coi như một mảnh đất cằn cỗi – một kinh nghiệm không hề dễ chịu mà bạn phải chịu đựng để kiếm sống qua ngày.
Công việc thì khó khăn, chết tiệt và nó đúng là như thế! Còn nếu mọi người đang say sưa hứng khởi thì tức là nó đã không còn là công việc nữa rồi!
Nhưng đó lại là một nhận định sai lầm các bạn ạ. Tôi biết, và các nghiên cứu cũng chứng minh đã cho điều này, rằng những người làm công việc của mình tốt nhất khi họ yêu thích những gì họ làm. Nó không có nghĩa là chúng ta phải yêu tất tần tật những gì thuộc về công việc của chúng ta, nhưng khi chúng ta yêu công việc nhiều hơn là ghét, chúng ta sẽ làm việc hiệu quả và năng suất hơn rất nhiều.
Có ba cách mà bạn – với tư cách một nhà lãnh đạo có thể khai thác và sử dụng nguồn lực hạnh phúc này để chèo lái con tàu sự nghiệp của mình.
1: Làm cho nhân viên của bạn hạnh phúc
Các nghiên cứu đều cho thấy rằng những nhân viên yêu công việc của họ có ít ngày nghỉ ốm hơn, gắn bó với công việc lâu hơn, làm việc năng suất hơn, cung cấp dịch vụ khách hàng tốt hơn và có chất lượng công việc cao hơn. Thực tế cho thấy, nhân viên hạnh phúc luôn làm việc tốt hơn các nhân viên không thỏa mãn trong bất cứ lĩnh vực nào.
Nếu nhìn sâu hơn vào câu chuyện thành công tại hầu hết các doanh nghiệp, bạn sẽ thấy thực chất của vấn đề nằm ở một nhóm người luôn suy nghĩ “Chúa ơi, điều này thật tuyệt – Tôi không thể tin được làm việc với đội dự án này lại vui đến thế!”
Và đó là lý do tại sao tất cả những ông chủ, các nhà lãnh đạo cần phải tập trung vào nhân viên của mình trước tiên và phải đảm bảo rằng họ hạnh phúc trong công việc.
Nhưng khách hàng có phải là mối quan tâm hàng đầu không? Chắc chắn như vậy. Khi một công ty đặt nhân viên của mình lên hàng đầu, nhân viên sẽ đặt khách hàng lên hàng đầu, bởi những người hạnh phúc có thiên hướng chăm sóc khách hàng tốt nhất. Hãy nghĩ về điều đó: Bạn muốn được ai phục vụ khi bước vào nhà hàng: một anh bồi bàn cáu kỉnh căm ghét ông chủ của mình và đồng nghiệp hay một cô bồi bàn yêu thích công việc?
2: Làm cho khách hàng của bạn hạnh phúc
Mục tiêu của bạn là gì? Bán hàng được nhiều nhất có thể? Tối đa hóa doanh số và đạt mục tiêu ngân sách? Luôn gia tăng giá trị sản phẩm?
Hay là làm cho các khách hàng của mình hạnh phúc?
Lựa chọn thứ hai sẽ mang đến cho bạn những khách hàng trung thành nhất. Một khi khách hàng biết rằng bạn thực sự mang đến lợi ích tốt nhất và chân thành mong muốn những điều tốt lành cho họ, họ sẽ tiếp tục quay lại thêm nhiều lần nữa. Có thể hiện tại bạn chỉ làm ăn nhỏ, nhưng trong dài hạn có thể bạn sẽ làm ăn lớn hơn nhiều.
Doanh nghiệp nào chọn cách tiếp cận này cũng có được sự hài lòng khi biết rằng bản thân họ đang giúp đỡ mọi người.
3: Làm cho mình hạnh phúc trong công việc
Còn bạn thì sao? Bạn có yêu công việc của mình? Bạn có huýt sáao vui vẻ mỗi khi đến văn phòng hay khi tan sở về nhà? Bạn có đang làm những việc bạn thật sự yêu thích? Bạn có tin tưởng và quý mến những người quanh bạn?
Chính bạn, với tư cách một nhà lãnh đạo doanh nghiệp, cần phải hạnh phúc trong công việc với một lý do đơn giản: Nếu bạn ghét công việc của mình, bạn sẽ làm ảnh hưởng xấu đến tất cả những người xung quanh. Là một nhà lãnh đạo, bạn là người tạo ra không khí làm việc và mọi người sẽ chú ý bất cứ biểu hiện nào của bạn. Hãy trở thành một tấm gương và hãy làm cho mình hạnh phúc trong công việc.
Khi bạn làm được điều này, bạn cũng sẽ trở nên thành công hơn. Một nghiên cứu gần đây cho thấy: trong khi thành côngcũng sẽ làm cho con người hạnh phúc, thì mối tương quan này lại mạnh mẽ hơn theo chiều ngược lại, có nghĩa làrằng người hạnh phúc thường trở nên thành công và giàu có hơn. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả, vì người hạnh phúc hơn sẽ lạc quan hơn, sung sức hơn, duyên dáng hơn và sáng tạo hơn – đó cũng là tất cả những phẩm chất cần thiết trong kinh doanh
Lựa chọn thực sự
Và đây là điều mà một trong số những công ty thành công nhất với lợi nhuận cao nhất thế giới đã nhận ra: Rằng chúng ta không phải hi sinh mục tiêu kinh doanh và lợi nhuận để trở nên hạnh phúc. Sự thực là, biến hạnh phúc thành nguồn lực trong kinh doanh sẽ khiến chúng ta có nhiều lợi nhuận hơn nữa.
Bạn không cần phải chọn giữa hạnh phúc trong công việc và sự thành công – sự lựa chọn thực sự là:
Bạn có muốn việc kinh doanh của bạn trở nên hạnh phúc và thành công hơn không?
Bạn có muốn việc kinh doanh của bạn trở nên hạnh phúc và thành công hơn không?
Hay bạn muốn không hạnh phúc và kém thành công hơn?
Thật là một lựa chọn khó khăn, nhỉ: o)
Câu hỏi hiển nhiên là: Tôi có thể làm được gì? Làm thế nào tôi có thể làm cho bản thân mình và những người khác hạnh phúc trong công việc?
Chúng ta sẽ quay lại vào ngày mai với một thử thách cho tất cả các nhà lãnh đạo – một phương pháp đơn giản để tạo ra các nguyên tắc cơ bản về hạnh phúc trong công việc cho chính bản thân bạn và nhân viên của bạn.
Nguồn: Alexander Kjerulf, The strongest force in business (no, not money)
Bản tiếng Việt © 2011 Juju
Bản tiếng Việt © 2011 Phát triển Cá nhân
No comments:
Post a Comment