Hôm qua, có một bạn của tôi gởi tin nhắn trong facebook và bảo rằng tôi hãy like giúp cái facebook fanpage của công ty bạn ấy vừa mới lập hôm qua. Đây là page của một dự án bất động sản. Tôi hỏi là có quà không? Bạn ấy bảo không. Tôi trả lời rằng, lập ra fanpage làm chi rồi bây giờ chạy chọt khắp nơi bắt người ta like. Bạn ấy bảo rằng vì sếp bạn đó thích có facebook fanpage, vậy thôi.
Và tôi thấy rằng mình cần phải có một bài viết viết riêng cho sếp bạn ấy.
Trước hết, xin giới thiệu đây là một bài trình bày hay và có ý nghĩa về Social Media trong quảng cáo!
Có 3 điểm đáng lưu ý:
- Tác giả nhấn mạnh rằng, làm social media không phải là platform driven mà là content driven. Nghĩa là chúng ta phải có content trước sau đó mới tính tiếp là dùng platform nào là phù hợp. Youtube, Facebook hay Twitter chỉ là công cụ mà thôi.
- Tác giả phân biệt giữa 2 khái niệm content và social content. Nếu chỉ là content đơn thuần về thông tin sản phẩm, chỉ cần bạn bỏ nó vào website công ty là xong, vì content này không có lý do gì để mọi người chia sẻ. Còn nếu đã thực hiện các content trên social network thì content phải có lý do để mọi người socialize, nghĩa là mọi người phải bàn luận, chia sẻ, phản ứng… Những status hay trong các facebook fanpage là những status khiến cho các fan của bạn tham gia đối thoại, trả lời, đóng góp… (và dĩ nhiên họ có “quà” khi làm chuyện đó)
- Ai cũng bảo là tôi cần content cho social media của tôi, thế thì content gì đây? Tác giả gợi ý rằng đó chính là brand story. Bộ não con người vốn không thích nghe con số, dữ kiện nhưng lại rất thích nghe và nhớ những câu chuyện (hãy hỏi những đứa trẻ nghe mẹ kể chuyển cổ tích hằng đêm). Với brand story, bạn vừa tạo ra được content, vừa đảm bảo được các mục tiêu xây dựng thương hiệu.
Và nếu như đặt 3 ý này theo chiều ngược lại, bạn sẽ nhìn ra quy trình tạo ra một chiến dịch trên social media một cách bài bản và có chiến lược.
- Trước hết hãy xuất phát từ thương hiệu của mình. Hãy xem thử mình có câu chuyện gì hay muốn kể cho mọi người. Hãy xem thử câu chuyện đó có đủ hấp dẫn để mọi người muốn nghe. Nếu quả thật sản phẩm hay thương hiệu của bạn chẳng có câu chuyện gì hay hay chẳng có nhiều lý do để mọi người muốn nói về nó, tốt nhất là không nên làm social media.
- Một khi đã xác định cho được brand story rồi, hãy phát triển nó thành những content mà mọi người muốn thảo luận hơn là những thông tin đơn thuần. Bạn có thể hỏi cách mà mọi người dùng sản phẩm của bạn. Bạn có thể mời mọi người chia sẽ câu chuyện tương tự của mình. Bạn có thể giúp cho người ta thấy tự hào nếu họ chia sẻ câu chuyện của bạn cho nhiều người khác…
- Và cuối cùng, với những content như vậy, platform nào là phù hợp? Facebook là thứ mà nhiều người nhắm đến. Nhưng nếu content của bạn nặng về các đoạn phim thì youtube là phù hợp nhất. Nếu bạn có những câu chuyện về âm nhạc, các diễn đàn âm nhạc lại là lựa chọn hợp lý. Và không loại trừ khả năng bạn tạo riêng cho mình một platform phù hợp, dĩ nhiên là nó rất tốn kém.
Ai cũng biết làm social media là tạo content. Nhưng tạo content không phải là công việc miễn phí và dễ dàng. Tôi tạo content cho blog tôi và đó là công việc vô cùng nặng nhọc. Nó tốn kém kinh khủng, nhất là những content hay và “fresh”.
Nếu bạn không tin thì hãy hỏi trang của Axe Việt Nam. Cho đến giờ, với gần 170 ngàn fan, đây là trang fanpage về sản phẩm lớn nhất Việt Nam (thật ra thì Axe đứng thứ 4, 3 vị trí đứng đầu là 2 trang về groupon là muachung và nhommua và KFC để cho thấy thật ra người ta like fanpage chẳng qua để cập nhật thông tin khuyến mãi). Nhưng với những chi phí mà Axe bỏ ra làm content (cho Elly Trần, Dưa leo và những đoạn phim về “Lục cửu chân kinh”) thì rõ là không phải ai cũng dám làm.
Do đó, hãy lưu ý một điều rằng, bạn cũng phải nên xác định lại mục tiêu của mình khi tạo ra social media này để làm gì vì làm social content không hề rẻ? Mục tiêu kinh doanh hay tiếp thị, thương hiệu cụ thể là gì? ROI là bao nhiêu? Bạn được gì khi có người like và trò chuyện với bạn? Đâu là cái lý do hợp lý đằng sao việc trò chuyện với chừng 100 người trên mạng cho một chủ đề khi mà ngoài đời kia có hơn 100 ngàn người mua hàng của bạn.
Tôi tin chắc rằng vị sếp kia sao khi đọc nhiều bài báo nói về sự tuyệt vời của fanpage thì đứng ra lập ngay fanpage và bắt nhân viên tăng lượng like bằng mọi cách mà chưa bao giờ trả lời được những câu hỏi cơ bản mà tôi đã nêu ra ở trên.
No comments:
Post a Comment