Tôi đi dạy điều thú vị nhất là mình được học. Học từ những suy nghĩ, câu hỏi, câu trả lời của tất cả các bạn học viên. Và hôm vừa rồi, tôi được học từ một cô bé sinh viên năm hai.
Cô bé tổ chức một đêm nhạc dành cho những ai sắp rời xa mái trường. Và để thu hút sự chú ý của mọi người, ban tổ chức đã rất biết tận dụng vào một trào lưu đang rất phổ biến hiện nay trên facebook – confession. Và với cái ý tưởng “hồi cấp 3 tôi đã từng…”, nó đủ hay để thu hút sự chú ý của mọi người, trở thành một phần của dòng chảy văn hóa đương thời và đủ độ liên quan để tạo ra giá trị cho sự kiện mà nó muốn quảng bá.
Thương hiệu không là mặt trời. Không đủ sáng để mọi người vay quanh nó. Không phải là trung tâm của mọi thứ.
Những gì thương hiệu tạo ra rất chậm, rất kém hấp dẫn so với những gì mà con người tạo ra. Dòng chảy văn hóa, trào lưu, xu hướng do chính chúng ta tạo ra hay và hấp dẫn hơn nhiều những gì thương hiệu tạo ra.
Chúng ta bàn tán về các chú nhóc Minion chứ không phải là những con bò của Vinamilk.
Chúng ta nhại theo câu nói trong cuốn “sát thủ đầu mưng mủ” chứ không phải là những slogan của thương hiệu.
Chúng ta truyền nhau câu chuyện “xin lỗi anh chỉ là thằng bán bánh giò” của một chàng sinh viên chứ không phải những cái gọi là “viral clip” được đầu tư công phu bởi những chuyên gia sáng tạo.
Chúng ta phát cuồng vì những phim sáng tạo về Sài Gòn, lịch sử Việt hơn là những phim quảng cáo.
Chúng ta xem “bộ ba đĩ thõa” nhiều hơn bộ ba cô gái trong “những thiên thần nhanh nhạy” trên youtube dù rằng những gì thương hiệu làm ra được quảng bá rầm rộ hơn.
Văn hóa quanh ta hay hơn, hấp dẫn hơn, nhanh hơn những gì chúng ta làm ra.
Và để bắt kịp mọi người trên dòng chảy đó, đừng cố cạnh tranh, đừng cố làm “mặt trời” thu hút mọi người.
Hãy là một phần của dòng chảy đó.
Dĩ nhiên vẫn còn có những thương hiệu có khả năng taọ ra cho riêng mình một văn hóa riêng, một thế giới riêng. Nhưng nó đòi hỏi thời gian, tiền bạc và công sức.
No comments:
Post a Comment