“A message creates knowledge. A story creates emotional bonding”
Dạo gần đây trên báo Tuổi trẻ có loạt bài về “Fan cuồng”. Tôi phải nói ngay tôi là người cực kỳ ghét Hàn quốc (ngoại trừ món Kim chi), từ phim, nhạc, điện thoại và cả con người. Tôi tự hỏi, vì sao những người trẻ Việt (và ngay cả người lớn) lại thích Hàn Quốc như thế. Tại sao họ có thể khóc, cười, hóa điên (và cả hôn lên ghế ngồi) vì những ca sĩ Hàn Quốc? Tại sao nhóm Big Bang, Bi Rain, Suju lại trở thành một thương hiệu có sức hút ghê gớm như thế?
Và khi những “Fan cuồng” này bị đưa lên báo chỉ trích, họ đã phản pháo. Và từ đó, tôi phát hiện ra một phần bí mật của hiện tượng này. Và nó có liên quan đến một kỹ thuật trong xây dựng thương hiệu: Storytelling.
“Các thần tượng gian khổ thi tuyển, được đào tạo khắc nghiệt, nỗ lực kiên cường để theo đuổi ước mơ, gặp phải rất nhiều tai nạn, phải làm việc thâu đêm, luôn quan tâm lẫn nhau khi thuộc về một nhóm, luôn được mời làm các đại sự thiện chí và từ thiện… ”
Thật ra bạn sẽ gặp rất nhiều lời giải thích tương tự như vậy. Fan nhạc Hàn không chỉ thích thần tượng vì đẹp trai-đẹp gái, hát hay-múa giỏi mà còn cả những tháng ngày luyện tập, nổ lực, ý chí, đam mê, lối cư xử, tình bạn, tình yêu cao đẹp đằng sau những ngôi sao này. Những câu chuyện khiến người ta muốn tìm hiểu, đồng cảm và tạo nên niềm cảm hứng.
Có bao nhiêu câu chuyện hay về Mỹ Tâm, Thủy Tiên về nhóm Mây Trắng hay nhóm V-Music. Ngoại trừ vài chuyện nhảm nhí như đi mua sắm, lộ hàng, tán gái, đi dự tiệc, các ca sĩ và nhóm nhạc Việt Nam không biết tạo dựng cho mình những câu chuyện hay để thu hút fan.
Tôi không rõ những câu chuyện trên có thật bao nhiêu phần trăm, vì sao các Fan biết. Nhưng chắc chắn một điều nó được tạo ra với một mục đích rõ ràng. Nó tạo ra nhằm xây dựng nên thương hiệu của những nhóm nhạc này. Và đó là một phần để cho các nhà tiếp thị học hỏi.
Bất cứ một thương hiệu nào, ngoài sản phẩm tốt ra đều còn có những câu chuyện (chuyện có thật cũng như chuyện bịa) đứng đằng sau. Và các ca sĩ Hàn Quốc cũng thế, bên cạnh hát hay, múa giỏi, tạo ra những show ca nhạc đậm chất giải trí, họ có biết tạo ra những câu chuyện có lợi cho họ và thu hút các Fan.
Johnnie Walker là một bật thầy trong việc kể chuyện. Người ta không chỉ thích J.W vì rượu ngon mà còn thích những câu chuyện nữa hư, nữa thực cũng người đàn ông tên Johnnie và hành trình không ngừng bước tới của ông. Hãy xem cái TVC này để biết J.W “kể chuyện” hay như thế nào:
Đỉnh cao của nghệ thuật Quảng cáo là kể chuyện. Vì đơn giản người ta ít khi nhớ đến các con số, thông điệp một cách dễ dàng. Nhưng người ta lại nhớ đến các câu chuyện và tin vào nó nhiều hơn. Những câu chuyện lưu lại trong trí não nhiều hơn và tạo ra nhiều cảm xúc hơn.
Mỗi một thương hiệu đều có một câu chuyện hay để kể. Chuyện về những ngày đầu thành lập trong cái nhà xe cũ, chuyện về những thất bại của người sáng lập, chuyện về hành trình tìm kiếm công thức sản phẩm, chuyện về tấm lòng nhân ái của ông CEO, chuyện về ý chí và đam mê của các kỹ sư…
Chỉ cần bạn tìm ra câu chuyện hay và có liên quan đến khách hàng, đủ tạo ra cảm xúc cho họ, được kể một cách hấp dẫn, bạn đã tạo nên một thương hiệu mạnh.
Ở Việt Nam, Trung Nguyên, Vinamilk, Vĩnh Hảo, Kinh Đô là những thương hiệu có thể làm được điều này. Tiếc là vẫn chưa thấy câu chuyện này thiệt hay.
P/S: một câu chuyện hay khác mà tôi rất thích của Chrysler được kể bởi Eminem
No comments:
Post a Comment