Tổng kết DPO Talk 5
Chiều chủ nhật vừa qua tại số 59, Láng Hạ, DPO tổ chức DPO Talk 5 "Kĩ năng viết CV và trả lời phỏng vấn" với sự tham gia của anh Cao Duy Phong, CEO Công ty cổ phần Hà Nội Sài Gòn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thuê Ngoài.
Buổi chia sẻ nhằm mang lại cho sinh viên kĩ năng viết 1 CV hoàn hảo để tìm được một công việc phù hợp.
Trước hết, anh Phong chia sẻ về hành trang khởi nghiệp cần trang bị gồm: Kiến thức, kĩ năng làm việc và kĩ năng bổ sung.
Trong hồ sơ ứng tuyển, các bạn phải cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân như họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, email, số điện thoại,… Đặc biệt, trong đó lưu ý ghi chính xác số điện thoại của bản thân và email. Rất nhiều bạn sinh viên sử dụng email là nickname của mình. Đây là một sai lầm. Các bạn nên sử dụng tên thật của mình để dễ nhớ, không gây phản cảm và tiện cho việc nhà tuyển dụng liên lạc lại.
Trong phần "Quá trình học tập", các bạn nên ghi đầy đủ các thông tin: Học tại trường ĐH, Cao đẳng nào? Tốt nghiệp loại gì? Chuyên ngành gì? Từng học Tiếng Anh ở đâu? Bằng cấp như thế nào? Đã từng tham gia những buổi học kĩ năng nào? (Lưu ý là nên ghi những kĩ năng cần thiết cho công việc chứ không nên ghi những kĩ năng ngoài luồng không cần thiết).
Một sai lầm nữa mà các bạn sinh viên hay mắc phải đó là dùng một CV cho tất cả các công việc. Các bạn nên chỉnh sửa CV cho mỗi công việc khác nhau cho phù hợp.
Ngoài ra, trong CV các bạn nên ghi:
- Các kinh nghiệm : Lưu ý những kinh nghiệm không phù hợp thì không cần phải ghi nhưng cần ghi chi tiết cụ thể các công việc đã từng làm và thời gian từ tháng/năm đến tháng/năm nào?
- Thông tin bổ sung bao gồm các hoạt động xã hội, thành tích…
- Mục tiêu nghề nghiệp: Muốn làm việc trong môi trường như thế nào? Xác định mong muốn và tình phù hợp với bản thân.
- Thông tin người tham khảo: Có thể là giám đốc cũ hoặc cấp trên quản lí trực tiếp.
Tóm lại, hồ sơ cần đơn giản nhưng trình bày đẹp, rõ ràng và gọn gàng. Thông tin rõ ràng, trung thực.
Anh Phong sửa CV cho các bạn |
Phần thứ 2 của buổi giao lưu đề cập đến việc viết thư xin việc (Application). Thông thường, thư xin việc có độ dài khoảng 1 mặt A4. Thư có điểm khác CV đó là nó không có quy chuẩn và nó phải có yếu tố biểu cảm. Trong thư xin việc có những thông tin cần thiết tuy nhỏ nhưng các bạn nên chú ý:
· Không bao giờ xưng "em" trong thư vì quá trình tuyển dụng là quá trình ngang bằng giữa ứng viên với nhà tuyển dụng. không ai ở vị trí cao hơn cả.
· Tìm hiểu và nêu tên, chức vụ của nhà tuyển dụng.
· Thể hiện sự quan tâm của bản thân về sản phẩm của công ty: Tìm lợi thế của sản phẩm của công ty để khen, đồng thời thể hiện sự quan tâm của bản thân đx có quá trình tìm hiểu sản phẩm.
· Viết logic để sao cho nhà tuyển dụng đọc hết từ đầu đến cuối
· Có sự chủ động trong công việc, thể hiện thái độ khao khát được làm việc cho công ty
· Có mục đích rõ ràng: Nếu được làm việc cho công ty, tôi chắc chắn sẽ trờ thành một nhân viên xuất sắc của công ty.
· Kết lại bằng một câu chúc, câu chào và hẹn sẽ gọi lại.
· Luôn mặc định bản thân đã là một nhân viên của công ty qua cách nói: Nói công ty mình/công ty ta chứ ko nói công ty anh…
· Logic, khéo léo, dùng từ chính xác, hay.
Các khán giả tham gia trò chơi giữa chương trình |
Phần 3 là Quy trình phỏng vấn:
Phỏng vấn là cơ hội để tạo ấn tượng và là cơ hội để chứng tỏ bản thân, cơ hội để hỏi thêm về vị trí tuyển dụng, tỉm hiểu thêm về công ty cũng như các sản phẩm, dịch vụ của công ty.
Để chuẩn bị thật tốt cho buổi phỏng vấn, bạn nên:
· In CV ra ( nên in khoảng vài bộ).
· Chuẩn bị sẵn một vài câu hỏi nhà tuyển dụng có thể hỏi, chuẩn bị quần áo gọn gàng.
· Lưu số điện thoại cầm tay của nhà tuyển dụng
· Đi sớm khoảng 15- 20 phút, phòng tắc đường. Đừng bao giờ hỏi nhà tuyển dụng xem công ty ở chỗ nào
· Khi trả lời phỏng vấn:
· Nụ cười sẽ tạo ra sự thân thiện, tự nhiên.
· Nên nhìn vào mắt nhà tuyển dụng nhưng không được nhìn chằm chằm hoặc nhìn đắm đuối.
· Khi cán bộ nhân sự hỏi "Các bạn có câu hỏi gì thêm không?", bạn nên hỏi nhưng không bao giờ hỏi về chính sách (những vấn đề như giờ nghỉ, tiền lương…) mà nên luôn thể hiện sự quan tâm đến công ty và khát khao được làm việc. Vậy bạn có thể hỏi gì? Bạn có thể hỏi "Thưa anh chị, theo kinh nghiệm anh/chị, làm thế nào để làm tốt được công việc này?".
· Xin card nhà tuyển dụng để gửi thư cảm ơn, thể hiện sự chân thành và một lần nữa tên của bản thân được khắc vào đầu nhà tuyển dụng. Đồng thời trong thư cảm ơn cũng ngỏ ý hẹn ngày gọi lại để hỏi kết quả.
Một câu hòi mà nhà tuyển dụng thường hỏi các ừng viên là về điểm mạnh, điểm yếu. Điểm mạnh, bạn nên nêu những điểm mạnh phục vụ cho công việc của mình. Còn điểm yếu, các bạn có 2 lực chọn: Hoặc là biến điểm yếu đó thành điểm mạnh. Hoặc nhấn mạnh điểm yếu đó hoàn toàn có thể thay đổi được và không ảnh hưởng gì đến công việc.
Đặc biệt, các bạn nên hiểu rằng phỏng vấn là quá trình nhà tuyển dụng thử thách ứng viên để thấy được khả năng giải quyết vấn đề của bạn. Do đó, trong phỏng vấn, quan trọng nhất là bạn phải xử lí được tình huống một cách khéo léo và linh hoạt.
Trong buổi chia sẻ đã có nhiều câu hỏi băn khoăn của các bạn được anh Phong và anh Mạnh giải đáp. Ví dụ như có nên viết thư tay không, các bạn nên làm gì và học gì khi còn là sinh viên?...
DPO Talk 5 thực sự đã để lại rất nhiều ấn tượng thú vị:
Hoàng Thu Thủy (HV Tài chính): " Đây là một chương trình hay và có ý nghĩa đặc biệt là đối với những sinh viên năm 3 và 4; đồng thời cũng có những phần quà giao lưu bổ ích tạo sự thoải mái và gần gũi cho những người tham gia".
Lê Quỳnh Anh (ĐH Ngoại Thương): "Nội dung chương trình khá thiết thực và thú vị; cung cấp những kiến thức bổ ích và cơ hội được gặp gỡ, chia sẻ với những người có kinh nghiệm và vị trí trong ngành".
Nguyễn Tâm Linh (ĐH Hà Nội, thành viên DPO): "DPO Talk 5 đã cho mình rất nhiều kiến thức bổ ích về việc viết CV. Mình nghĩ bản CV của mình sẽ được hoàn thiện và đẹp hơn rất nhiều sau buổi chia sẻ của anh Phong và anh Mạnh hôm nay".
Các thành viên tham dự gửi lời cảm ơn chân thành đến anh Cao Duy Phong đã chia sẻ rất nhiều những thông tin hữu ích cho các bạn sinh viên:
Vũ Tuấn Anh (ĐH Kinh tế quốc dân, thành viên DPO) :"Cảm ơn sự chia sẻ rất bổ ích và rõ ràng của anh. Em thực sự học được nhiều điều và rất tự tin. Sẵn sàng chuẩn bị cho mùa tuyển dụng năm sau".
Lê Phương Ngọc (ĐH Ngoại Thương): "Cám ơn anh vì buổi nói chuyện rất bổ ích! Buổi nói chuyện thực sự rất cuốn hút và hài hước".
Nguyễn Thanh Thủy (ĐH Ngoại Thương, thành viên DPO) "Cảm ơn anh đã dành thời gian để chia sẻ những kinh nghiệm quý báu cho những thành viên còn mơ hồ như chúng em".
Chân thành cảm ơn những chia sẻ thú vị của anh Phong và anh Mạnh cũng như sự có mặt của tất cả các bạn. Hẹn gặp lại vào DPO Talk 6!!!
No comments:
Post a Comment