Friday, March 9, 2012

Phỏng vấn Giản Tư Trung

- Con người không phải được đánh giá bằng danh vị mà bằng chính những gì mà người đó đã làm được trong cuộc đời. 
- Chơi chính là làm những gì mình thích và làm là chơi những gì mà mình không thích. Được làm những gì mình thích là sự hưởng thụ. Tôi tận hưởng điều đó và cảm thấy mình sinh ra là để rong chơi.
- “Vì người” là cách “vì mình” khôn ngoan nhất...
Đó là một số triết lý sống của một con người có một ma lực lỳ lạ. Một sức nóng dễ dàng lan tỏa bầu nhiệt huyết sục sôi sang những người xung quanh. Khả năng tập trung cao độ mọi suy nghĩ của mình về một hướng nhằm biến những điều không thể thành có thể. Một người thường làm những công việc chẳng giống ai, và luôn lao mình để góp sức vào khát vọng chung của cả cộng đồng doanh nghiệp. 



 
Những đột phá trong cách nghĩ và cách làm của ông cũng luôn hướng đến việc góp phần vào việc phát triển chung của nền GD - ĐT nước nhà... Những khát vọng này chính là nền tảng để Nhà nghiên cứu giáo dục Giản Tư Trung khai lập Tổ chức Giáo dục PACE. ANTĐ Cuối tuần bắt đầu cuộc trò chuyện với ông bằng một ước mơ như thế!

Ông bắt đầu hành trình giáo dục của PACE như thế nào, thưa ông?
 

- Tại sao tôi muốn làm giáo dục, đó là một câu chuyện dài. Tôi chỉ muốn làm điều mà tôi thích và cảm thấy mình có thể mang lại nhiều giá trị nhất cho xã hội mà tôi đang sống. Giáo dục, với tôi, như một niềm đam mê. Và điều may mắn, là càng ngày, tôi càng nhận được sự chia sẻ nhiều hơn của các anh em, các bậc trí thức, doanh nhân để cùng dấn thân vào lĩnh vực giáo dục để góp phần hiện thực hóa những giấc mơ không chỉ của riêng mình.

Muốn phát triển bản thân và đóng góp cho xã hội thì có nhiều cách, và cách thức phù hợp với khả năng và sở thích của tôi là giáo dục. Tôi nhìn hai chữ giáo dục ở 3 cấp độ: Quan trí là câu chuyện của Nhà nước, dân trí thì quá rộng lớn, nên tôi chọn doanh trí để làm điểm khởi đầu của mình. Từ ngày đầu thành lập đến nay, cái “khát vọng doanh trí” luôn là ngọn đuốc dẫn đường cho mọi hoạt động của Tổ chức Giáo dục PACE. 
 
Những năm gần đây, bên cạnh “doanh trí” thì chúng tôi còn thực hiện một số dự án giáo dục phi lợi nhuận khác để góp phần “chung tay lan tỏa tri thức” trong cộng đồng xã hội. Tôi nghĩ, chỉ cần có niềm đam mê và chọn con đường đúng, thì lúc nào cũng có rất nhiều việc phải làm. Với tôi, mọi đam mê, khát vọng đều nằm trên con đường giáo dục mà tôi đã chọn như lẽ sống của đời mình.

Như vậy, sau 8 năm thành lập, PACE đã làm được gì?  

- Từ những chương trình đào tạo dành cho doanh nhân của những ngày đầu tiên, bây giờ chúng tôi và những anh em cộng sự cùng tâm huyết đã có một chút “vốn” để tiếp tục hành trình theo đuổi sứ mệnh giáo dục mà mình đã tự đặt lên vai.

Các thành viên trực thuộc Tổ chức Giáo dục PACE và các dự án do PACE điều hành bao gồm 3 ngôi trường và 4 dự án. Đó là Trường Doanh nhân PACE, Trường Phát triển hạt giống lãnh đạo IPL và Trường Quản trị cuộc đời LIMA. Còn lại là các dự án giáo dục phi lợi nhuận do các trí thức, doanh nhân tâm huyết cùng góp sức sáng lập và do PACE điều hành bao gồm SachHay.com - Nơi giới thiệu và tìm kiếm sách hay; 
 
ThuVienOnline - Kho tri thức của người Việt, một thư viện trên mạng, có tính mở, có bản quyền và hoàn toàn miễn phí; OneBook - Một cuốn sách - Tặng sách vì dân trí vùng khó; và Chương trình Kết nối với những “bộ óc” lớn của thế giới đến với Việt Nam.

Thưa ông, hơn 5 vạn doanh nhân và giám đốc đã tốt nghiệp từ hơn 80 chương trình đào tạo của PACE sau hàng nghìn khóa học. Điều gì đã kết nối những con người này với không gian giáo dục ở PACE?
 

- Dù ở bất kỳ khóa học nào, chương trình đào tạo nào, chúng tôi cũng thống nhất chia sẻ với học viên 2 điểm quan trọng nhất mà PACE đã đúc kết được. Thứ nhất là quan điểm về kinh doanh: “Kinh doanh là kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội, là dùng sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp mình như là phương tiện để giải quyết các vấn đề của xã hội và làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Nói gọn hơn, “vì người” là cách “vì mình” khôn ngoan nhất. Điểm thứ hai, là nhà trường và học viên cùng sống trong không gian: “Tri thức thế giới” và “Giá trị thực học”.

Để mọi người có thể hình dung về PACE trong tương lai, ông sẽ nói gì?
 

- Từ ngày đầu thành lập, chúng tôi đã đặt ra hoài bão của mình để theo đuổi: Sẽ trở thành một tổ chức giáo dục có uy tín quốc tế và có những đóng góp thực sự có ý nghĩa cho sự phát triển chung của nền giáo dục nước nhà. 
 
- Một cách cụ thể hơn, hoài bão ấy đang được thực hiện như thế nào?

- Để trở thành một tổ chức có uy tín quốc tế thì ta phải đi con đường chưa ai từng đi, làm những việc chưa ai từng làm. Chúng ta cũng đừng nghĩ chỉ học theo thế giới không thôi, mà phải sáng tạo ra những cái để thế giới phải học lại. Tại sao ta chỉ học theo thế giới, mà lại không có chiều ngược lại? 
 
Nghĩ thì chưa chắc đã làm được, nhưng trước hết phải dám nghĩ đã. Tuy nhiên, thời đại ngày nay, dám nghĩ hay dám làm không thôi thì chưa đủ, mà phải biết cách làm và làm tới cùng. Đó là phương pháp đầu tiên. Phương pháp thứ hai là chúng ta phải nhanh chóng kết nối với những cái “đỉnh tri thức” của thế giới. 
 
Chúng tôi đang nỗ lực thực hiện cả 2 phương pháp này để có thể rút ngắn con đường mình phải đi và nỗ lực góp sức cho xã hội ta mạnh mẽ hơn trong cuộc đua tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt hơn. Chẳng hạn, dự án SachHay.com - nơi chúng tôi kỳ vọng có thể tập hợp được sức mạnh của cả xã hội cho một dự án chia sẻ tri thức cho toàn xã hội.
Giản Tư Trung sinh ra và lớn lên tại Nghệ An, học cấp III tại Nha Trang, học ĐH Kinh tế và ĐH Luật tại TP.HCM. Ông từng làm việc cho 3 trong số 4 Tập đoàn tư vấn và kiểm toán lớn nhất thế giới là KPMG, PwC và DTT. 
Sau đó ông rời các tập đoàn lớn để làm việc tại ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại Hà Nội, rồi đứng đầu một Công ty kiểm toán. Năm 2001, ông là người sáng lập Tổ hợp Giáo dục PACE, hiện có 5 đơn vị thành viên, trong đó thành viên đầu tiên là Trường Doanh nhân & Giám Đốc PACE.

Ông là giảng viên thỉnh giảng của một số trường ĐH trong và ngoài nước, là tác giả, diễn giả có uy tín về các chủ đề: Văn hóa và văn hóa kinh doanh; Cải cách giáo dục; Chiến lược kinh doanh; Quản lý và lãnh đạo...
Ai cũng biết, Bách khoa toàn thư mở Wikipedia phát triển nhanh là do cả thế giới cùng tham gia xây dựng, ngày nay đã trở thành một cộng đồng trí tuệ rất rộng lớn. Và SachHay.com đã học hỏi được được cái ý niệm “mọi người cùng xây dựng” để lớn nhanh đó ở Wekipedia. Nhưng SachHay.com có 2 điểm khác đó là: 
 
Thứ nhất, nó chỉ chuyên về sách, lấy sách làm trung tâm cho việc chia sẻ và lan tỏa tri thức. Thứ hai, ở Wikipedia mình không biết là ai đã đưa thông tin hay tri thức này lên, nhưng ở SachHay.com thì biết rõ ai là người giới thiệu sách, và người giới thiệu sách sẽ lấy uy tín của mình ra để giới thiệu, uy tín nhiều thì được tin cậy nhiều, uy tín ít thì được tin cậy ít. Còn kết nối với các “đỉnh tri thức” thế giới, thì chúng tôi đã mời đến Việt Nam để chủ trì những Hội thảo quốc tế những “bộ óc” được xem là vĩ đại hiện nay trong lĩnh vực kinh tế và quản trị kinh doanh:

Cha đẻ của marketing hiện đại Philip Kotler và Cha đẻ của chiến lược hiện đại Micheal Porter. Song song đó, PACE còn thực hiện việc “Việt Nam hóa” các chương trình đào tạo nổi tiếng thế giới và bắt tay hợp tác cùng các học viện giáo dục có uy tín nhất trên toàn cầu.

- Là người có cơ hội được tiếp xúc nhiều với các bạn trẻ nước ngoài, ông có rút ra được điều gì mà lớp trẻ nước ta đáng học tập ở họ? 
 
- Chúng ta nên học hỏi những điều mà các bạn trẻ này có cơ hội được hấp thụ từ những nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới. Tôi nhận thấy đó là lối sống có trách nhiệm, có trách nhiệm với bản thân mình và có trách nhiệm với người khác và với xã hội. Thứ hai là khả năng biết cách tự giáo dục bản thân mình liên tục, từ nhỏ cho đến lúc qua đời. Cái này tôi thường gọi là “Ta là sản phẩm của chính mình!”. 
 
Điều thứ ba là khát vọng lớn với tầm nhìn rộng và xa. Yếu tố cuối cùng là tư duy sáng tạo, vượt ra ngoài những khuôn khổ thông thường, tư duy lại cả những điều tưởng chừng như đã là chân lý một thời.

- Nếu một bạn trẻ cần một lời khuyên ngắn gọn nhất từ Giản Tư Trung để có thể sống tốt hơn và thành công hơn, ông sẽ nói gì thưa ông?

- Tôi sẽ nói với bạn ấy điều mà tôi cho là quan trọng: Hãy biết cách chọn cho cuộc đời mình một lẽ sống phù hợp và rõ ràng: Sống để làm gì? Rốt cuộc là mình sẽ dùng cuộc đời của mình vào việc gì và việc đó có đáng để dùng không? Lẽ sống như là bánh lái của cuộc đời, con người không có lẽ sống thì cũng giống như con thuyền không có bánh lái, không biết sẽ đi đâu về đâu. 
 
- Là người gắn bó nhiều năm trong lĩnh vực giáo dục, ông có tâm đắc với một quan điểm giáo dục nào đó không?

- Rousseau, một nhà khai sáng vĩ đại của châu Âu đã từng nói về giáo dục: “Cái cây được hình thành nhờ vun trồng, con người được hình thành nhờ giáo dục”. Triết lý mà tôi tin tưởng cũng gần giống như thế. Con người cũng ví như cái cây gồm có 3 phần: phần gốc, thân và phần hoa trái. ở đây “gốc” của con người là tinh thần, tư tưởng, là nền tảng văn hóa; “thân” chính là năng lực chuyên môn, năng lực làm việc, và “hoa trái” chính là thành tích học tập, thành tích lao động, là tiền tài, địa vị, danh vọng.

Do vậy, cái chúng ta cần phấn đấu chính là gốc và thân, còn hoa quả thì tự nhiên nó sẽ có. Gốc và thân tốt, đương nhiên sẽ được đơm hoa kết trái.
                                      
 

No comments:

Post a Comment