0. NỖ LỰC
Có một thiếu nữ từng học múa ba lê suốt thời niên thiếu và cuối cùng cảm thấy mình sẵn sàng dành hết cuộc đời mình cho nó. Cô muốn trở thành một nữ diễn viên múa chính nhưng trước hết cô muốn biết chắc mình có tài.
Vì vậy, khi có đoàn múa balê đến thị trấn, cô đến hậu trường sau buổi biểu diễn và nói với nhà biên đạo múa:
“Tôi muốn trở thành một nữ diễn viên ba lê vĩ đại, nhưng tôi không biết mình có năng lực không”.
“Hãy múa cho tôi xem nào”, nhà biên đạo múa trả lời, nhưng chỉ sau một hai phút, ông đã lắc đầu và nói: “Không, không, không! Cô không có đủ năng lực đâu”.
Người thiếu nữ về nhà, đau khổ vô cùng. Cô quẳng đôi giày múa ba lê vào kho và không bao giờ mang chúng nữa. Sau đó, cô kết hôn, rồi có con và khi các con đã khôn lớn, cô nhận một việc làm thêm là điều khiển một máy đếm tiền ở một cửa hàng bách hoá.
Nhiều năm sau, khi đoàn ba lê ngày trước đến thị trấn, cô đi xem và khi rời khỏi nhà hát, cô va phải nhà biên đạo múa khi xưa giờ đây đã 80 tuổi. Cô nhắc ông nhớ lại điều ông đã nói trước đây. Cô cho ông xem những tấm ảnh của con mình và kể cho ông nghe về công việc ở cửa hàng bách hoá rồi nói: “Có một điều vẫn luôn làm tôi day dứt mãi. Sao thầy lại có thể nhận xét một cách nhanh chóng là tôi không có đủ năng lực?”
“Ồ! Thật ra thì tôi không hề nhìn cô khi cô múa, nhà biên đạo nói, đó là điều mà tôi nói với tất cả những người đến gặp tôi”.
“Nhưng… nhưng điều đó thật không thể tha thứ được!” Cô bật khóc. “Thầy đã chôn vùi cả cuộc đời tôi! Lẽ ra tôi đã có thể trở thành một nữ diễn viên múa vĩ đại!”
Lúc này đây, tôi muốn bạn tạm dừng và suy nghĩ. Bạn có nghĩ điều mà nhà biên đạo múa đã làm là đúng không?
Chúng ta hãy tiếp tục theo dõi câu chuyện.
“Không, không, tôi không nghĩ thế, nhà biên đạo nói, nếu cô có đủ năng lực, cô sẽ chẳng thèm để ý gì đến những điều tôi nói đâu!”
Khi sinh ra, mỗi chúng ta đều được đưa cho một mảnh giấy trắng để viết những điều chúng ta muốn. Một số chỉ viết rất ít, một số viết rất nhiều, còn một số lại cho phép người khác viết thay mình. Vậy lỗi này thuộc về ai?
- DÁM THẤT BẠI-
1. VẤN ĐỀ
Lúc nào chúng ta cũng đối mặt với những thử thách lớn mà đằng sau đó là những vấn đề hóc búa”.
Đôi lúc chúng ta có ý nghĩ: “Đời có đẹp không nhỉ nếu như chúng ta chẳng có vấn đề gì cả?”.
Nếu vậy chúng ta có thể thoả thích trên bãi biển suốt cả ngày mà chẳng cần lo toan gì cả. Thế thì cuộc đời bạn chẳng khác gì một con ốc biển. Con ốc biển chẳng phải lo nghĩ gì cả.
Chúng ta phải nghĩ ra cách giải quyết vấn đề và tìm ra những biện pháp mới để thực hiện chúng. Cuộc sống này luôn tồn tại những vấn đề. Chúng thôi thúc chúng ta phải học hỏi, kiểm nghiệm và vượt qua những trở ngại. Các con mèo không phải đối mặt với những vấn đề lớn. Nếu bạn là mèo thì bạn thấy mọi thứ đều dễ dàng, đơn giản. Cuộc sống của con mèo có vẻ thoải mái lắm. Nhưng ai muốn làm con mèo nào?
ANDREW MATTHEWS
2. SỐNG LÀ ĐẤU TRANH
Ta thường nghe câu tục ngữ: “SỐNG LÀ ĐẤU TRANH”. Ta có thể học được điều gì từ câu tục ngữ này? Hãy thử đảo ngược nó và xem ra có gì nào? ĐẤU TRANH LÀ SỐNG.
Nhiều người trong chúng ta không ý thức được rằng chính vì nhận thức này mà ta đã, đang và sẽ tiếp tục đấu tranh. Có thể ta không thích khái niệm này nhưng sự thật là “ĐẤU TRANH” làm ta thấy cuộc đời mình đáng sống hơn! Trong nhiều trường hợp, chính tạo hoá đã luôn gửi thông điệp đó đến cho ta. Bằng chứng là những cây nào phải thường xuyên đối mặt với các trận bão tố và cuồng phong không những khoẻ mạnh hơn mà rễ cũng ăn sâu vào đất hơn. Những cây nào phải đấu tranh để giành được ánh nắng mặt trời trong các khu rừng nhiệt đới rậm rạp chắc chắn sẽ khoẻ mạnh và cao to hơn các giống dây leo bám quanh chúng và những cây dương xỉ núp dưới tán của chúng. Đấu tranh buộc ta phải di chuyển khi ta muốn đứng lại.
3.THẾ GIỚI CÒN NỢ TÔI
Một nguyên nhân của việc trách cứ người khác là suy nghĩ “thế giới còn nợ tôi”. Nó thể hiện trong những câu nói như “Tại sao người ta không thích tôi?” “Tại sao không ai phát hiện được tài năng của tôi?” và “Sao cuộc sống lại khó khăn thế này – ai đó làm cái gì đi chứ”!
Tốt nhất là bỏ đi cái suy nghĩ rằng thế giới nợ nần chúng ta. Đời là một siêu thị lớn mà bạn là một trong hàng tỉ món hàng trong đó. Thử thách của bạn là làm cho người khác thấy giá trị của bạn. Đó là khả năng hòa đồng, giúp đỡ cho người khác…Nếu bạn có được những giá trị này, bạn bè và những ông chủ sẽ tìm đến bạn. Nếu bạn là của nợ thì sẽ mãi mãi cô độc.
Được sống trên hành tinh này là một đặc ân. Nếu bạn muốn tận hưởng những điều dễ thương của cuộc đời thì bạn phải biết cách thể hiện những giá trị của bạn với người khác.
4. HÃY ĐỨNG VỮNG
Nếu bạn cảm thấy bạn buồn khổ, bạn có lẽ đang bị vậy!”
Chin-Ning Chu
Con cừu non sẽ bị con chồn ăn thịt. Người yếu thì bị ăn hiếp! Khi bạn yếu thì bạn dễ trở thành mục tiêu tấn công, bạn bị cắn, bị chích.
Một hôm, một con ếch ngồi bên bờ suối. Một con bọ cạp đến gần và nói: “Anh ếch à, tôi muốn đi qua con suối nhưng tôi là con bọ cạp nên không thể bơi được. Anh có vui lòng chở tôi trên lưng anh qua suối được không?”
Con ếch trả lời: “Nhưng anh là bọ cạp mà bọ cạp thường chích ếch!”
Con bọ cạp nói: “Tại sao tôi lại chích anh. Tôi chỉ muốn qua bờ bên kia thôi!”
“Thôi được,” con ếch nói, “Hãy leo lên lưng tôi để tôi cõng anh sang”.
Mới đi được nửa đường thì con bọ cạp chích con ếch. Con ếch đau đớn oằn xuống và trước khi thở hơi cuối cùng, nó nói: “Tại sao anh lại làm thế? Bây giờ thì cả hai ta đều chết đuối!”
Con bọ cạp nói: “Bởi vì ta là bọ cạp mà bọ cạp thường chích ếch!”
Hãy coi chừng những con bọ cạp! Có những người xung quanh bạn không ngại chết đuối nếu họ kéo được bạn chết cùng.
Có một số người bạn phải tránh. Đôi khi bạn phải đứng dậy và chiến đấu. Khi nào thì bạn chống cự? Bạn có thể tự hỏi: “Mình cảm thấy cái gì là công bằng?” Rồi đứng vào vị trí của mình, cho dù người ta không thích bạn hay không nghĩ là bạn tử tế.
Bạn có thể kiệt sức khi phải cố làm cho tất cả mọi người thích bạn hay đồng ý với bạn, và cuối cùng họ không thích và bạn cũng không biết mình là ai nữa.
Bạn chỉ có thể nghe theo lương tâm mình, nói cách khác hãy lắng nghe trái tim của bạn.
5. CHÚNG TA TRỞ THÀNH MỘT PHẦN CUỘC SỐNG ĐỜI THƯỜNG
Chúng ta rất dễ bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh. Bạn có từng biết người nào đi ra nước ngoài và trở về với một giọng nói khác?
Hay những cậu bé năm tuổi chập chững đến trường ngây thơ, vô tư và chẳng bao lâu sau, do chơi với những người xấu, các cậu bé đã nhanh chóng học các tiếng chửi thề còn nhiều hơn cả một người trưởng thành bình thường.
Chúng ta trở thành một phần của môi trường bên ngoài. Không ai trong chúng ta được miễn nhiễm đối với ảnh hưởng của thế giới xung quanh - bạn bè, gia đình và đồng nghiệp, Tivi, báo chí, truyền thanh, sách và tạp chí mà chúng ta đọc. Suy nghĩ và tình cảm, mục tiêu và hành động của chúng ta sẽ được hình thành liên tục bởi những người và vật mà chúng ta tiếp xúc hang ngày.
Điều lạ lùng là con người thường không nhận biết được những thay đổi đang diễn ra trong tâm lý mình. Cũng giống như khi quay về với bụi khói thành phố sau vài tuần hưởng không khí trong lành, chỉ lúc đó ta mới nhận ra là trước đây ta đã quen với những cái mùi bẩn thỉu.
Sống chung với những người hay phê bình ta sẽ bắt đầu phê bình. Sống với người hạnh phúc ta biết hạnh phúc là gì. Sống với người cẩu thả ta thành cẩu thả, với người nhiệt tình ta thành nhiệt tình, với người hay phiêu lưu làm ta thích phiêu lưu, với người thịnh vượng làm ta thịnh vượng.
Điều này có nghĩa là chúng ta cần phải quyết định chúng ta muốn gì và chọn đối tượng giao du cho thích hợp. Có thể bạn sẽ nói: “Như thế đòi hỏi phải nỗ lực nhiều. Có thể không dễ chịu gì. Tôi có thể phải làm buồn lòng vài người”. Đúng vậy! Nhưng đó là cuộc sống của bạn.
No comments:
Post a Comment